Nâng cao hiệu quả mô hình trồng chanh leo ở Hướng Hóa
Để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, trong những năm qua, huyện Hướng Hóa đã triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế với phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Trong đó, chanh leo là một mô hình tiêu biểu, phát huy được hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương.
Sau khi nghiên cứu kỹ chất đất cũng như thời tiết khí hậu, Hướng Phùng là một trong 3 xã đầu tiên tại Hướng Hóa được lựa chọn làm nơi xây dựng mô hình điểm về trồng chanh leo với tổng diện tích 7,5 ha. Sau gần 4 năm triển khai, kết quả bước đầu cho thấy chanh leo trồng ở Hướng Phùng phát triển tốt, năng suất khá cao, bình quân đạt 18 tấn/ha. Trừ chi phí đầu tư, nông dân thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. Từ kết quả đó, Hướng Phùng đã liên tục nhân rộng diện tích, đến nay đã đạt 30 ha với hơn 50 hộ dân tham gia thực hiện mô hình.
Gia đình chị Hồ Thị Lan ở thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng trồng thí điểm 320 gốc chanh leo từ năm ngoái, sau gần một năm, cây phát triển tốt, cho năng suất khá cao. Bình quân mỗi gốc chanh leo cho thu hoạch gần 1 tạ quả/năm, với giá hiện nay từ 13 - 23 nghìn đồng/kg chanh leo tùy theo loại thì trừ chi phí, mô hình này đem lại nguồn thu trên dưới 200 triệu đồng. Chị Lan chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây chủ yếu trồng cà phê nhưng từ năm ngoái địa phương có trồng thử cây chanh leo thì tôi cũng mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cà phê năng suất thấp sang trồng chanh leo. Chanh leo rất phù hợp đất đai, khí hậu ở đây nên chăm sóc không khó, năng suất lại cao. Thu nhập từ vườn chanh leo cao hơn thu nhập từ cây cà phê. Từ kết quả này gia đình tôi sẽ dần mở rộng thêm diện tích”.
Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long cho biết thêm: “Từ khi đưa vào trồng thí điểm đến nay, các mô hình chanh leo trên địa bàn phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, đầu ra thuận lợi nên địa phương xác định phát triển loại cây này thành một trong những cây trồng chủ lực. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nghiên cứu chất đất của các thôn khác để nhân rộng mô hình, đặc biệt là chuyển đổi các loại cây trồng kém năng suất sang trồng chanh leo, duy trì và nâng cao năng suất, chất lượng, dần xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP”.
Những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kết nối với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc triển khai Dự án sản xuất, phát triển cây chanh leo tại huyện Hướng Hóa với 3 xã làm thí điểm gồm: Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập với tổng diện tích trồng 12,5 ha, trong đó Hướng Phùng có diện tích lớn nhất. Với hình thức hỗ trợ 50% kinh phí cây giống và vật tư nông nghiệp, đồng thời liên kết với công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc để bao tiêu toàn bộ sản phẩm chanh leo tại địa phương.
Nhờ được tư vấn kỹ về chuyển đổi cây trồng phù hợp, mặt khác lại yên tâm về đầu ra sản phẩm, nên người trồng chanh leo rất phấn khởi, đầu tư chăm sóc mô hình điểm đã được xây dựng; tích cực tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, đồng thời tìm hiểu thêm kinh nghiệm từ các mô hình ở địa phương khác, nghiên cứu qua sách báo và internet từ kỹ thuật làm giàn leo, hệ thống nước tưới đến phân bón và cách chăm sóc chanh leo.
Qua thời gian trồng thí điểm tại Hướng Hóa, kết quả cho thấy chanh leo rất phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, cây phát triển tốt, năng suất ước đạt trên 18 tấn/ ha, có nơi đạt trên 20 tấn/ha. Chất lượng quả to, mọng, màu sắc và kích cỡ quả đồng đều. Lúc được giá, chanh leo đạt trên 23 nghìn đồng/kg, còn lại bình quân từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Với năng suất trung bình ước đạt từ 15 - 18 tấn/ha, mỗi năm cho thu 3 - 4 vụ thì các mô hình chanh leo tại Hướng Hóa đem lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định, tính bình quân 1 ha chanh leo đem lại nguồn thu nhập trên 250 triệu đồng mỗi năm. Thấy hiệu quả nên nông dân Hướng Hóa đầu tư mở rộng mô hình. Nhờ vậy, diện tích chanh leo được mở rộng qua từng năm, nhất là tại xã Hướng Phùng. Đến nay, tổng diện tích chanh leo ở Hướng Hóa đã lên đến 42 ha.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết: “Qua gần 4 năm triển khai thí điểm, kết quả bước đầu của mô hình chanh leo đã được khẳng định tại Hướng Hóa, đặc biệt là góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ các loại cây trồng kém chất lượng, năng suất thấp để mở rộng mô hình chanh leo từ 42 ha lên 150 - 200 ha. Tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra cho sản phẩm chanh leo ở địa phương”.