Nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm
Năm 2024, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng cường vai trò quản lý và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Qua đó, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng đã từng bước được nâng cao, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân.
Đẩy mạnh kiểm tra định kỳ và đột xuất
Hiện trên địa bàn quận Long Biên có 7.266 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Để thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong năm 2024, UBND quận duy trì thường xuyên 17 đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra theo kế hoạch và các đợt cao điểm; tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp nhiều thực phẩm trong dịp Tết, lễ hội, mùa nắng nóng...; kiểm tra xác minh thông tin phản ánh về biểu hiện mất an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Đến nay, quận đã kiểm tra, giám sát 7.008 cơ sở, trong đó có 6.770/7.008 cơ sở (chiếm tỷ lệ 96,6 %) đạt yêu cầu, và xử lý vi phạm 238 cơ sở với số tiền gần 923 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận chủ yếu là nhỏ lẻ, trong đó gần 60% cơ sở thuộc phường quản lý. Thời gian qua, UBND quận đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm soát, giám sát từ tuyến quận đến tuyến phường. Các vi phạm được phát hiện là:
Vệ sinh dụng cụ bảo quản, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm; có côn trùng, động vật gây hại trong khu vực chế biến; không đủ dụng cụ bảo quản riêng thực phẩm sống - chín... Cơ quan chức năng của quận cũng đã nghiêm túc xử lý vi phạm, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại để triển khai thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn.
Tương tự, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo các đơn vị chức năng duy trì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngộ độc thực phẩm tại cộng đồng, cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể… Tính từ đầu năm 2024 đến thời điểm hiện tại, các đoàn kiểm tra của huyện và các xã, thị trấn đã kiểm tra được 3.841/3.983 cơ sở (đạt tỷ lệ 96,43%). Các đoàn kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 142 cơ sở với số tiền hơn 389 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu được phát hiện như: Không thực hiện kiểm thực ba bước; không lưu mẫu thức ăn theo quy định; không có lưới chắn côn trùng, động vật gây hại, thùng rác không có nắp đậy; người chế biến, sản xuất tiếp xúc với thực phẩm không có găng tay, trang phục bảo hộ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc; không có đầy đủ giá kệ...
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, những năm gần đây, huyện Gia Lâm có tốc độ đô thị hóa nhanh, thu hút lao động từ những nơi khác đến sinh sống và làm việc. Kéo theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cũng tăng lên. Hiện trên địa bàn huyện có 4.407 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai, thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức đợt cao điểm về an toàn thực phẩm; kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Kết quả, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ
Dựa vào kiểm tra thực tế và những kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, UBND các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc quyết liệt trong triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2024 thông qua việc tích cực triển khai công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.
Thời gian tới, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong và ngoài trường học, nhất là tăng cường các đoàn kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học, khu vực kinh doanh, chế biến thực phẩm xung quanh cổng trường và bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đặc biệt là tập trung kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết (giò, chả, xúc xích, bánh, kẹo...), kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại các lễ hội…; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm.
Tại quận Long Biên, ngoài việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Long Biên còn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm các điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật. Đặc biệt, lực lượng chức năng của quận tiếp tục công khai các cơ sở, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn những hành vi sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-an-toan-thuc-pham-685589.html