Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về địa giới hành chính các cấp
Sáng 28.5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học của Đề tài cấp Bộ 'Pháp luật về quản lý địa giới hành chính - thực trạng và giải pháp hoàn thiện' theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển và đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) - Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì hội thảo.
Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Lê Hải Đường; các ĐBQH khóa XV và các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiển đánh giá, đề tài “Pháp luật về quản lý địa giới hành chính - thực trạng và giải pháp hoàn thiện” hướng đến mục tiêu trên cơ sở đánh giá hiện trạng quy định của pháp luật cũng như thực tiễn quản lý của các địa phương để đề xuất giải pháp giúp hoàn thiện về mặt thể chế cũng như tăng cường năng lực quản lý địa giới hành chính. Đây là đề tài rất khó. Bởi, quản lý địa giới hành chính gồm nhiều hoạt động, từ việc xác định địa giới đến phân định cắm mốc trên thực tế, điều chỉnh địa giới và giải quyết tranh chấp đều là những vấn đề khó, không thuần túy về mặt pháp lý và liên quan tới đa dạng lĩnh vực. Trong khi đó, quy định pháp luật hiện hành cũng như sự điều chỉnh về những nội dung này vẫn tương đối ít và tản mạn, nằm ở nhiều văn bản khác nhau đặc biệt là các văn bản dưới luật. Vì vậy, việc quản lý địa giới hành chính trên thực tế còn một số bất cập nhất định.
Theo ông Phan Thái Bình, công tác phân chia địa giới hành chính mới chỉ dựa trên cơ sở Chỉ thị số 364-CT ngày 6.11.1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính. Đã qua rất nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có hệ thống pháp luật nào hoặc văn bản luật quy định về lĩnh vực này. Từ thực tế theo bản đồ và thực trạng quản lý địa giới hành chính ở các địa phương cho thấy còn nhiều chồng lấn, tranh chấp; công tác giải quyết tranh chấp cũng rất khó khăn. Trong quá trình nghiên cứu, Ban Chủ nhiệm Đề tài nhận thấy, cần thiết phải ban hành một luật về địa giới hành chính, trong đó quy định nguyên tắc phân chia, cắm mốc địa giới hành chính các cấp, quy định về quản lý nhà nước và về thẩm quyền, phương án xử lý các tranh chấp,…
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến với các quy định của pháp luật về công tác quản lý địa giới hành chính; đánh giá sự hài hòa thống nhất giữa pháp luật về địa giới hành chính và hệ thống pháp luật nói chung; vai trò ảnh hưởng của phân chia địa giới hành chính với liên kết vùng miền, phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực trạng công tác quản lý địa giới hành chính, nhất là công tác cắm mốc, tình trạng trồng lấn xâm canh, xâm cư; sự khác nhau giữa bản đồ và thực tiễn,…
Từ những bất cập trong quy định của pháp luật và thực tiễn địa phương, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị những giải pháp để khắc phục và hoàn thiện hệ thống pháp luật về địa giới hành chính, thuận lợi hơn trong công tác quản lý. Nhiều đại biểu cho rằng, cần xem xét ban hành Luật địa giới hành chính, làm cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về địa giới hành chính các cấp, góp phần tạo sự ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là tại các vùng giáp ranh. Quốc hội cần tổ chức giảm sát tối cao về công tác phân chia, cắm mốc và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp trên địa bàn cả nước, gắn với việc tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.