Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản
Bài 3:
“ĐẤT TẶC” LỘNG HÀNH
BPO - Đến các khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, xa, đồi núi, thưa dân cư trong tỉnh không khó để bắt gặp cảnh tượng nhiều thửa đất bị múc, ủi, đào bới quy mô lớn. Điều này không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, ngân sách nhà nước mà còn tác động xấu đến môi trường, mỹ quan và danh lam thắng cảnh.
Diễn biến phức tạp
Khu đất thuộc địa bàn tổ 5, ấp Thanh Tuấn, xã Thanh Lương, TX. Bình Long chỉ cách tuyến đường lớn khoảng 200m, nơi có đường điện trung và cao thế đi qua đã bị các đối tượng liều lĩnh khai thác đất quy mô lớn. Theo ghi nhận của phóng viên, nơi đây chủ yếu là sét gạch ngói gồm nhiều khu vực với diện tích được tính bằng héc ta, bị các đối tượng múc sâu thành ao lớn. Rất nhiều dấu vết để lại tại hiện trường như máy cuốc, vệt bánh xe đi lại nham nhở… chứng tỏ khu vực này đã bị khai thác đất từ lâu và trong thời gian dài.
Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương Võ Văn Quốc thừa nhận, không chỉ trên địa bàn ấp Thanh Tuấn mà ở ấp Thanh An cũng xuất hiện một vài trường hợp khai thác đất trái phép. “Qua tuần tra, kiểm tra, phát hiện các đối tượng khai thác đất trái phép chúng tôi đều có biện pháp xử lý. Trên cơ sở xác định hành vi, mức độ vi phạm, theo thẩm quyền chúng tôi xử lý hoặc kiến nghị cấp trên” - ông Quốc khẳng định.
Tương tự, cánh đồng trồng lúa của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc thôn 1, xã An Khương, huyện Hớn Quản rộng khoảng 5 ha, đường vào ngoằn ngoèo, gấp khúc rất khó lưu thông nhưng cũng đã bị các đối tượng lén lút khai thác đất sét trái phép đưa đi tiêu thụ. Ghi nhận tại hiện trường, do đất sét có giá trị cao hơn nên các đối tượng múc đất màu đổ sang một bên để lấy phần đất phía dưới với diện tích khoảng 5 sào, độ sâu từ 3-4m. Các dấu vết để lại cũng chứng tỏ việc khai thác đất trái phép diễn ra quy mô lớn. Chứng cứ thì đã rõ nhưng Chủ tịch UBND xã cho rằng, trên địa bàn chỉ có tình trạng khai thác san lấp mặt bằng tại chỗ vào ngày nghỉ hoặc buổi tối. Chính quyền địa phương cũng đã thành lập tổ liên ngành thường xuyên kiểm tra, xử phạt tình trạng này (?).
Cũng trên địa bàn huyện Hớn Quản, mới đây qua mật phục nhiều ngày, lực lượng chức năng xã Thanh An đã bắt quả tang đối tượng khai thác đất san lấp trái phép quy mô lớn diễn ra tại ấp An Hòa. Theo ghi nhận, khu đất được khai thác trái phép là quả đồi thoải, trống không còn cây xanh, cách ĐT756 khoảng 500m, rộng khoảng 1 ha, chủ yếu là đất san lấp sỏi phún. Diện tích đất đã khai thác trái phép chiếm khoảng 1/3 quả đồi với nhiều vị trí khác nhau. Xe tải qua lại rất nhiều lần phá nát tuyến đường, bụi mịt mù. Điều đó chứng tỏ việc khai thác đất san lấp trái phép đã diễn ra trong thời gian dài.
Có mặt tại hiện trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh An Nguyễn Viết Đợi cho biết, vụ việc được người dân báo trước đó khoảng 1 tháng và qua mật phục, lực lượng chức năng xã đã bắt quả tang. Phần đất khai thác trái phép trước đây của hộ dân trên địa bàn nhưng đã sang nhượng cho một người tên Hùng ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng. Sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo xã đã báo lực lượng chức năng, Công an huyện Hớn Quản đến hiện trường lập biên bản, xử lý theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Nguyễn Vũ Tiến thừa nhận, thời gian qua trên địa bàn vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Mặc dù UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, thành lập các tổ kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng các đối tượng vẫn lợi dụng khu vực vùng sâu, vùng xa khu dân cư để khai thác về đêm, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Tại thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng, theo ghi nhận của phóng viên, tận dụng khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi giáp ranh với xã Thanh An, huyện Hớn Quản, các đối tượng lén lút khai thác đất quy mô lớn. Vấn đề này được lãnh đạo huyện thừa nhận và chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp cố tình tái phạm.
Lén lút vào những “giờ vàng”
Tình trạng khai thác đất trái phép không chỉ xảy ra ở các địa điểm nêu trên mà còn có ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Nguyên nhân được lãnh đạo các địa phương cho biết là do lực lượng quản lý mỏng, trong khi đối tượng manh động, liều lĩnh, việc khai thác diễn ra lén lút vào ngày nghỉ lễ, ngoài giờ hành chính và thường diễn ra ở khu vực vùng sâu, xa, vắng người, có cảnh giới gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
“Đối tượng khai thác rất manh động, có người chỉ điểm, cảnh giới theo dõi và thường thực hiện vào những “giờ vàng”, thứ Bảy, Chủ nhật, do vậy việc phát hiện và xử lý rất khó. Chúng tôi phải cử lực lượng nòng cốt là người dân và có đội bí mật theo dõi nhiều ngày, trong đó lãnh đạo chủ chốt địa phương phải là người sâu sát vào cuộc và trực tiếp có mặt tại hiện trường để xử lý thì mới đảm bảo được các bước theo quy định. Mặt khác, do cán bộ chuyên trách cấp xã và công an mỏng, trong khi khối lượng khai thác trái phép nhiều, xe cộ lớn nên khi phát hiện sự việc cần có sự phối hợp của lực lượng chức năng chuyên môn cấp huyện thì mới xử lý được” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh An Nguyễn Viết Đợi giãi bày những khó khăn khi gặp “đất tặc” lộng hành.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương Võ Văn Quốc cho biết, khó khăn lớn nhất trong quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn là các đối tượng thường tranh thủ ngoài giờ hành chính để hoạt động như sáng sớm, chiều tối, buổi trưa hoặc thứ Bảy, Chủ nhật - lúc cán bộ, công chức nghỉ làm việc. Để hạn chế tình trạng này, cách làm của xã là tăng cường cán bộ trực ngoài giờ hành chính và bồi dưỡng thêm cho các cán bộ này. Tuy nhiên, địa bàn xã rất rộng, trong khi cán bộ chỉ có một vài người nên không thể xử lý hết được.
Cần phối hợp chặt chẽ trong xử lý vi phạm
Theo thông tin từ các địa phương, qua tuần tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm khai thác khoáng sản trái phép. Tại huyện Hớn Quản, trong 2 năm 2021, 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức kiểm tra 16 cuộc, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản đối với 7 trường hợp, số tiền 134 triệu đồng. Tại huyện Phú Riềng, trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, qua kiểm tra, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai 6 đối tượng, số tiền 120 triệu đồng.
Mặc dù cấp huyện và xã đều thành lập các tổ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng việc phối hợp xử lý giữa các cơ quan chuyên môn còn nhiều lúng túng, thiếu kinh nghiệm, chưa có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, đặc biệt là khi phát hiện xử lý, bắt giữ xe vi phạm. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới lãnh đạo và cơ quan chuyên môn cấp trên cần quan tâm tập huấn nghiệp vụ xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản
NGUYỄN VŨ TIẾN
Thực tế cho thấy, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp, nguyên nhân một phần do lực lượng quản lý mỏng, mức xử phạt hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các lực lượng để kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm còn nhiều bất cập nên hiệu quả xử lý chưa cao.