Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn huyện Như Xuân những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực môi trường, quản lý đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản...
Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Như Xuân Phạm Văn Tuấn cho biết: Để nâng cao công tác quản lý tài nguyên và BVMT, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ TN&MT tới các tầng lớp Nhân dân, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cùng với đó, huyện cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng phương án bảo vệ TN&MT phù hợp với tình hình ở mỗi địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời chấn chỉnh những sai phạm liên quan...
Trong lĩnh vực đất đai, cùng với việc rà soát, tổng hợp, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tập trung thực hiện hiệu quả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân làm cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý về lĩnh vực này. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện tiếp nhận và giải quyết hơn 3.000 hồ sơ về thủ tục đất đai. Trong đó hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp huyện giải quyết là 667 hồ sơ; hồ sơ thuộc thẩm quyền của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai là 2.264 hồ sơ.
Liên quan đến công tác BVMT, ngoài thực hiện tốt các yêu cầu, kế hoạch của tỉnh, huyện còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày Môi trường thế giới (5/6)”; “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”... với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, ý thức, trách nhiệm về BVMT trong khu dân cư, hộ gia đình được nâng lên rõ rệt. Cùng với đó, việc xây dựng hệ thống mạng lưới thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cũng được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các xã, thị trấn. Theo thống kê, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện đạt gần 90%. Đặc biệt, việc quản lý môi trường đối với các cơ sở chế biến lâm sản, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được huyện đặc biệt chú trọng. Hiện các cơ sở sản xuất quy mô lớn trên địa bàn huyện có nguy cơ tác động đến môi trường đều thực hiện đầy đủ thủ tục về lập dự án khai thác, đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT... đồng thời, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải ra môi trường. Ông Lê Văn Hoàng, giám đốc điều hành nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân, cho biết: “Cùng với việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hoạt động BVMT được công ty đặc biệt quan tâm, coi đây là trách nhiệm của nhà đầu tư đối với sự an toàn của người lao động và môi trường khu dân cư. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong sản xuất với nhiều hạng mục, thiết bị trị giá hàng tỷ đồng và được vận hành thường xuyên, đúng quy trình”.
Theo đại diện Phòng TN&MT huyện Như Xuân, mặc dù các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Như Xuân đã quan tâm đến công tác BVMT, song hoạt động kiểm tra điều kiện bảo đảm môi trường đối với các cơ sở này luôn được ngành chức năng của huyện tiến hành thường xuyên. Hằng năm, huyện đều phối hợp với Sở TN&MT, các ngành chức năng tổ chức kiểm tra về công tác quản lý BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong huyện. Trong năm 2024 đã tổ chức kiểm tra theo quyết định 2 đợt, xử lý 2 trường hợp vi phạm về môi trường; phối hợp với Chi cục BVMT, Sở TN&MT kiểm tra 4 trường hợp, xử lý 4 trường hợp vi phạm; kiểm tra đột xuất 5 trường hợp, xử lý 1 trường hợp. Cụ thể như xử lý vi phạm hành chính Công ty CP Chế biến nông lâm sản Thanh Lâm; kiểm tra xử lý vi phạm hành chính số tiền hơn 400 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Thương mại Song Dương tại xã Thanh Xuân có hành vi xả nước thải chăn nuôi ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về TN&MT trên địa bàn huyện Như Xuân vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: một số tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về BVMT, chưa tích cực tham gia các hoạt động BVMT; tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn còn diễn ra; việc thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất có nguồn gốc từ đất nông lâm trường còn nhiều vướng mắc... Từ những hạn chế này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật về TN&MT. Cũng với đó là sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, nhất là mỗi người dân trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình về bảo vệ TN&MT.