Nâng cao hiệu quả quản lý thông tin lĩnh vực sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Đại sứ quán Nhật Bản, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Giới thiệu Hệ thống thông tin lĩnh vực sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản và bàn giao máy chủ cho Bộ Y tế.
Tham dự Hội thảo, có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; ông Sasaki Shohei, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam và khoảng 80 đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế và một số đơn vị thuộc Sở Y tế 14 tỉnh, thành phố.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng số hóa đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường, mang lại những lợi ích không thể phủ nhận trong mọi lĩnh vực, trong đó có ngành y tế.
Vì vậy, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu và là một yêu cầu bắt buộc giúp các quốc gia tăng cường phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và sự thịnh vượng mỗi quốc gia. Lĩnh vực y tế cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó và quá trình chuyển đổi số y tế là một yêu cầu mang tính tất yếu; đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển của ngành y tế trong thời kỳ mới. Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế một cách toàn diện, nhanh và hiệu quả, hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử trong ngành y tế Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin thêm, thông qua UNICEF, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng Hệ thống thông tin lĩnh vực sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản.
Đến nay, hệ thống đã được hoàn thành, bước đầu kết nối thành công. Hệ thống là giải pháp công nghệ kết nối từ các phần mềm quản lý khám, chữa bệnh (HÍ) đến phần mềm thống kê y tế và sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ-trẻ em phiên bản điện tử. Qua đó, giúp cho nhân viên y tế tuyến cơ sở quản lý theo dõi từng cá nhân; đồng thời giúp giảm thiểu thời gian phải tổng hợp báo cáo.
Đáng chú ý, các số liệu báo cáo liên quan theo quản lý trường hợp khi tổng hợp cũng đầy đủ và chính xác, giúp tuyến tỉnh, tuyến Trung ương trong công tác quản lý, hoạch định và xây dựng các chính sách, can thiệp, hướng đến giải quyết vấn đề sức khỏe nhanh chóng, kịp thời và chính xác trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản ở Việt Nam hiện nay.
Dịp này, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn trân trọng cảm ơn Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, UNICEF đã hỗ trợ, đồng hành cùng Bộ Y tế trong việc xây dựng Hệ thống thông tin lĩnh vực sức khỏe sinh bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản; đồng thời, mong Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, UNICEF tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngành y tế Việt Nam nhân rộng Hệ thống này trên toàn quốc và các hoạt động quan trọng khác, góp phần cho công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho nhân dân Việt Nam.
Bộ Y tế cũng biểu dương các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông đã luôn nỗ lực để thiết kế, xây dựng, thử nghiệm vận hành Hệ thống thông tin lĩnh vực sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản.
Theo đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế): Mục tiêu của Hệ thống thông tin lĩnh vực sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản, giúp quản lý thông tin theo từng trường hợp, hỗ trợ phân tích, tổng hợp kịp thời, chính xác các báo cáo thống kê lĩnh vực sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản theo yêu cầu của Bộ Y tế. Kết nối và chia sẻ dữ liệu với phần mềm quản lý khám, chữa bệnh (HIS), sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ-trẻ em. Cung cấp các giao diện điều khiển trực quan hóa dữ liệu chăm sóc khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Đặc điểm nổi bật của Hệ thống là quản lý sổ ghi chép ban đầu lĩnh vực sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản; quản lý báo cáo thống kê lĩnh vực sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế; kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với phần mềm quản lý khám chữa bệnh (HIS), sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ-trẻ em phiên bản điện tử, phần mềm thống kê y tế; quản lý số liệu báo cáo mạng lưới; dashboard trực quan hóa dữ liệu lĩnh vực sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản.
Được biết, từ ngày 1/1/2025, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông chính thức vận hành hệ thống này và tiến tới Bộ Y tế sẽ áp dụng rộng rãi các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, góp phần cho công cuộc chuyển đổi số của ngành y tế nói chung, công tác thống kê, quản lý số liệu nói riêng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu về Hệ thống, nghe báo cáo quá trình triển các bước xây dựng Hệ thống; chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương trong quá trình tham gia xây dựng Hệ thống; chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.