Nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam
Công tác quản trị rủi ro tín dụng của các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam hiện nay được đánh giá khá hiệu quả, nhờ có cơ cấu tổ chức, chính sách quản trị rủi ro tín dụng phù hợp, quá trình nhận diện, đánh giá rủi ro tốt và các biện pháp xử lý linh hoạt. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc quản trị rủi ro tín dụng của các tổ chức tín dụng vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Bài viết này đánh giá, phân tích thực trạng quản trị rủi ro một số tổ chức tài chính vi mô chính thức tại Việt Nam và đưa ra một số giải pháp đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng trong tổ chức tài chính vi mô.
Quản trị rủi ro tín dụng trong hoạt động tổ chức tài chính vi mô
Theo Phạm Hồng Hải (2016), quản trị rủi ro tín dụng (RRTD) là quá trình các tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) tác động đến hoạt động tín dụng thông qua bộ máy và công cụ quản lý để phòng ngừa, cảnh báo, đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế mức tối đa việc không thu được đầy đủ cả gốc và lãi của khoản vay hoặc thu gốc và lãi đúng hạn. Khách hàng không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng là một trong các yếu tố làm cản trở đến mục tiêu của TCTCVM.
Khách hàng của TCTCVM chủ yếu là người có thu nhập thấp, kiến thức tài chính không cao và dễ bị tổn thương, nên nguy cơ RRTD luôn hiện hữu. Các nhà quản trị TCTCVM cần quản trị rủi ro một cách hiệu quả nhất mới có thể đạt đồng thời hai mục tiêu xã hội và lợi nhuận.
Phạm Hồng Hạnh (2016), Phan Thị Hồng Thảo và cộng sự (2018) đã chỉ ra: Các TCTCVM muốn hạn chế RRTD thì nhà quản lý cần thực hiện tốt các nội dung quản trị RRTD bao gồm: (1) Xây dựng chiến lược quản trị RRTD hiệu quả; (2) Nhận diện và phân tích dấu hiệu RRTD; (3) Đo lường mức độ RRTD của tổ chức; (4) Kiểm soát RRTD (phòng ngừa và hạn chế RRTD).
Thực trạng quản trị rủi ro tín dụng trong hoạt động tổ chức tài chính vi mô Việt Nam
Hoạt động quản trị RRTD tại các TCTCVM Việt Nam trong thời gian qua được thực hiện khá hiệu quả trên cả giác độ xây dựng mô hình cơ cấu tổ chức, chính sách quản trị RRTD và các nội dung của công tác quản trị rủi ro. Cụ thể như:
Thứ nhất, cơ cấu tổ chức và chính sách quản trị RRTD.
Về cơ cấu tổ chức, hoạt động quản lý RRTD của TCTCVM được Ban Tổng giám đốc/Ban điều hành phân công và giao trách nhiệm cho phòng Quản lý tín dụng. Phòng quản lý tín dụng thường xuyên cập nhật, báo cáo về trạng thái, tình hình RRTD cho Ban Tổng Giám đốc/Ban điều hành để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tổn thất cho tổ chức.
Thông tư số 33/2018/TT-NHNN, ngày 21/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05/12/2013 ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định MFIs chính thức phải có Ủy ban Quản lý rủi ro hoạt động độc lập với Ban điều hành. Hiện nay, hai trong bốn MFIs chính thức gồm TCTCVM CEP và Thanh Hóa đã xây dựng mô hình quản trị rủi ro độc lập với Bộ phận tín dụng làm chuẩn hóa quy trình cấp tín dụng, tăng cường trách nhiệm cán bộ nhân viên, tăng khả năng kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay.
Về chính sách quản trị RRTD, MFIs Việt Nam đều ban hành chính sách quản lý rủi ro nói chung, trong đó có RRTD bao gồm quy định chính sách cho vay, quy trình thẩm định, phê duyệt tín dụng, chính sách thu hồi nợ và báo cáo rủi ro, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro của tổ chức…
Thứ hai, công tác quản trị rủi ro tín dụng.
Hiện nay, công tác quản trị RRTD tại MFIs ở Việt Nam được thực hiện tương đối tốt với những nội dung chủ yếu sau:
Một là, việc nhận diện và đánh giá RRTD của MFIs Việt Nam khá chính xác và kịp thời. MFIs thường ưu tiên tuyển dụng cán bộ tín dụng, cộng tác viên là người địa phương hoặc người am hiểu địa bàn giúp việc đánh giá, lựa chọn khách hàng chính xác và hiệu quả.
Ngoài ra, các tổ chức này đều ban hành quy trình hướng dẫn cán bộ tín dụng, cộng tác viên trong quá trình thu thập thông tin, thẩm định, đánh giá khách hàng. Những yếu tố này tạo nên sự thống nhất chặt chẽ và chuyên nghiệp trong quá trình sàng lọc khách hàng nhằm hạn chế nguy cơ RRTD.
Hai là, các MFIs thực hiện tốt việc phân loại nợ và trích lập dự phòng RRTD, đo lường RRTD theo các tỷ lệ dư nợ rủi ro Par và thực hiện các báo cáo về RRTD theo quy định của cơ quan quản lý. Chỉ số Par được MFIs sử dụng và công bố phổ biến hiện nay là Par30. Tỷ lệ Par30 của MFIs Việt Nam thời gian qua như sau:
Tỷ lệ Par30 của MFIs Việt Nam rất thấp, trung bình chung hàng năm đều mức dưới 0,5%, thấp hơn nhiều so với mức chuẩn theo khuyến nghị quốc tế (5%), của Việt Nam (3%). Par30 thấp đồng nghĩa MFIs Việt Nam có mức độ RRTD thấp, chất lượng danh mục cho vay được đảm bảo, công tác quản lý RRTD được tiến hành có hiệu quả. Một trong những nhân tố giúp Par30 thấp, là do món vay có quy mô nhỏ, thiết kế linh hoạt, phù hợp khả năng trả nợ khách hàng.
Tổ chức tài chính vĩ mô Tình Thương (TYM) có Par30 thấp nhất trong cả giai đoạn luôn nhỏ hơn 0,01%. CEP mức độ rủi ro cao nhất trong bốn tổ chức vì có Par30 lớn nhất, nguyên nhân do tỷ lệ khách hàng nữ chiếm 70% thấp hơn tổ chức khác (90%), quy mô dư nợ lớn nhất, địa bàn hoạt động rộng hơn nên ảnh hưởng đến quá trình quản lý chất lượng dư nợ.
Ngoài việc đo lường thông qua các chỉ số, sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ cũng được coi là một trong những công cụ hữu hiệu phục vụ công tác đánh giá RRTD. Tuy nhiên, hiện nay, MFIs Việt Nam mới trong giai đoạn xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng khách hàng chứ chưa đưa hệ thống này vào hoạt động phục vụ công tác quản trị RRTD.
Ba là, MFIs Việt Nam kiểm soát RRTD khá tốt nhờ hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động khá hiệu quả và sản phẩm được thiết kế phù hợp khách hàng.
MFIs Việt Nam đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài chính vi mô và hoạt động cho vay: Thực hiện tốt các giới hạn đảm bảo an toàn trong hoạt động MFIs theo Thông tư số 33/2015/ TT-NHNN, thực hiện tốt chính sách, quy trình tín dụng. Hệ thống kiểm soát nội bộ của các MFI vận hành khá hiệu quả nhờ đảm bảo được sự giám sát chặt chẽ đối với mọi hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, MFIs xây dựng bộ quy tắc ứng xử hình thành văn hóa tổ chức, trong đó có liên quan đến nhận diện, ứng xử với rủi ro.
Thiết kế sản phẩm cho vay phù hợp với khách hàng cũng là nhân tố giúp MFIs hạn chế RRTD. Đặc biệt là phát triển sản phẩm cho vay theo nhóm, cụm, các sản phẩm được thiết kế linh hoạt đã tạo ra cơ chế kiểm soát và chịu trách nhiệm lẫn nhau giữa các thành viên làm giảm gánh nặng và tổn thất cho MFIs.
Việc phối hợp giữa MFIs với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể trở thành nhân tố tích cực làm tăng chất lượng danh mục cho vay, tạo Par thấp hơn nhiều tổ chức tín dụng khác.
Bốn là, tại MFIs Việt Nam việc xử lý rủi ro được thực hiện phù hợp với văn hóa tổ chức từng MFIs, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng thủ tục, trình tự khách quan và công bằng giữa các khách hàng nhằm tránh tổn thất cho cả hai bên.
Nhìn chung, vấn đề xử lý rủi ro MFIs thực hiện khá tốt, xem xét đối với trường hợp của CEP có Par30 lớn nhất (Bảng 1). Tại CEP, tỷ lệ xóa nợ thấp luôn nhỏ hơn 0,05%, nhờ công tác thu hồi nợ và xử lý nợ thực hiện tốt. Tỷ lệ bù đắp tổn thất rủi ro đều trên 100% cho thấy dự phòng của CEP luôn duy trì ở mức bù đắp được tổn thất tín dụng.
Như vậy, công tác quản trị RRTD của MFIs Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số thành công nhất định như: Thiết kế sản phẩm phù hợp, MFIs thực hiện tốt các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động theo quy định của cơ quan quản lý, cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro dần được hoàn thiện theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế, ban hành chính sách tín dụng chú trọng các vấn đề liên quan đến công tác quản trị rủi ro như: Quy trình tín dụng, quy trình kiểm soát và xử lý rủi ro, trách nhiệm và quyền hạn của các bộ phận nếu phát sinh rủi ro trong quá trình cho vay…
Bên cạnh những kết quả đạt được, quản trị RRTD của MFIs còn tồn tại một số hạn chế: Cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro một số MFIs chưa hoàn thiện, chưa hình thành bộ phận quản lý rủi ro độc lập, một số tổ chức bộ phận kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban kiểm soát nhưng chưa đảm bảo tính độc lập với Ban điều hành. Bên cạnh đó, MFIs chưa sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng khách hàng hỗ trợ cho công tác quản trị rủi ro.
Ngoài ra, sản phẩm tín dụng của một số MFIs được thiết kế rập khuôn dựa trên các chương trình dự án trước đó mà chưa được cải tiến theo nhu cầu khách hàng, nhất là những sản phẩm dựa trên nền tảng kỹ thuật số theo xu hướng phát triển hiện nay.
Một số nhân viên tín dụng MFIs còn chưa làm hết trách nhiệm, thẩm định còn qua loa và cảm tính, có tình trạng cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn rộng, số lượng khách hàng lớn, áp lực về doanh số làm ảnh hưởng chất lượng các món vay.
Một số giải pháp đề xuất
Để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị RRTD, trong thời gian tới, MFIs Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các nội dung sau:
Một là, hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị RRTD theo quy định của cơ quan quản lý và hướng tới chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Hiện nay, bộ phận kiểm toán nội bộ hầu hết MFIs Việt Nam trực thuộc Ban kiểm soát nhưng chưa đảm bảo tính độc lập so với Ban điều hành.
Trong thời gian tới, MFIs cần đảm bảo bộ phận này được vận hành một cách độc lập so với bộ phận kinh doanh nhằm đảm bảo tính khách quan và hiệu quả quản lý rủi ro. Một số MFIs chưa có Bộ phận quản trị rủi ro độc lập cần hoàn thiện mô hình quản trị theo Thông tư số 03/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đồng thời, thay đổi mô hình quản trị RRTD phù hợp với ứng dụng công nghệ trong cung cấp sản phẩm dịch vụ.
Hai là, chính sách và quy trình tín dụng cần hoàn thiện theo hướng đảm bảo nhanh gọn, khoa học, an toàn và thuận tiện cho cán bộ tín dụng và khách hàng khi tiến hành giao dịch. Quá trình cấp tín dụng có sự tham gia của nhiều bộ phận độc lập nhằm tăng tính giám sát chéo giữa các bộ phận.
Bên cạnh đó, các bước trong quy trình tín dụng cần được quy định rõ ràng nhằm xác định cụ thể thao tác nghiệp vụ cũng như trách nhiệm của cá nhân ở mỗi giai đoạn, tránh việc chạy theo doanh số hoặc mục tiêu lợi nhuận làm giảm chất lượng tín dụng.
Sản phẩm số đang là xu hướng phát triển trong thời gian tới, vì vậy MFIs khi hoàn thiện chính sách và quy trình tín dụng cần hướng tới cho cả sản phẩm tài chính vi mô có ứng dụng công nghệ số.
Ba là, MFIs tiếp tục hoàn thiện và đưa vào sử dụng bộ công cụ xếp hạng tín dụng để hỗ trợ quá trình đánh giá RRTD. Việc ban hành, đưa vào áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ giúp quá trình thẩm định, xét duyệt cho vay được chuyên nghiệp hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh tình trạng không thống nhất trong đánh giá khách hàng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý RRTD.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống xếp hạng tín dụng, mức độ tín nhiệm (hay rủi ro) của khách hàng được đánh giá khách quan và thống nhất trong toàn tổ chức. MFIs Việt Nam cần căn cứ vào đặc điểm khách hàng, tham khảo kinh nghiệm xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ MFIs trên thế giới, các tổ chức tín dụng khác tại Việt Nam để xây dựng bộ tiêu chí phù hợp với thực tế hoạt động.
Bốn là, đa dạng hóa danh mục cho vay, phát triển các sản phẩm cho vay truyền thống trên cơ sở ứng dụng các nền tảng công nghệ. Đề án chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện cho phép thực hiện các mô hình liên kết mới giữa ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác với các công ty công nghệ tài chính giúp MFIs thiết kế sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu khách hàng trong thời kỳ bùng nổ ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng.
Việc đa dạng hóa sản phẩm tín dụng cần kết hợp đa dạng hóa các sản phẩm khác như: Tiết kiệm, bảo hiểm vi mô, dịch vụ tài chính (thu hộ, thanh toán, chuyển tiền…) nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng. Khi đa dạng hóa danh mục cho vay trong giai đoạn hiện nay, MFIs cần lưu ý tích hợp ứng dụng công nghệ trong các hoạt động cụ thể như hệ thống tin nhắn báo số dư, nhắc lịch trả nợ, quản lý thu nợ cho cán bộ tín dụng, MFIs quản lý trực tuyến để cập nhật tình hình hoạt động các chi nhánh…
Điều này giúp hạn chế tình trạng chậm trả tiền vay của khách hàng, bỏ sót khách hàng trong quá trình thu nợ của nhân viên tín dụng, cảnh báo rủi ro sớm, nâng cao hiệu quả quản lý RRTD.
Năm là, MFIs cần xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực giỏi chuyên môn, công nghệ và các kỹ năng mềm. Trong công tác tuyển dụng nhân sự, MFIs căn cứ vào chiến lược phát triển để tuyển dụng nhân viên đảm bảo tiêu chuẩn và yêu cầu công việc.
Sau tuyển dụng, việc bố trí lao động vào vị trí phù hợp với năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, sở trường từng cá nhân cũng là một yếu tố nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro trong MFIs.
Ngoài ra, MFIs cần thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nhân viên chất lượng cao, đặc biệt cán bộ tín dụng cần được bồi dưỡng về chuyên môn, pháp luật, kỹ năng đàm phán, giao dịch, làm việc nhóm, thu hồi nợ, nhận biết giấy tờ thật giả, kỹ năng định giá…
Cuối cùng, áp dụng chế độ lương, thưởng, đãi ngộ, hệ thống kỷ luật lao động tốt cũng sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả làm việc, hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng của MFIs.
Kết luận
MFIs Việt Nam đang quản lý RRTD tương đối hiệu quả khi duy trì tỷ lệ Par ở mức thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị quốc tế và Việt Nam. Tuy nhiên, để phát huy tốt hơn nữa công tác quản trị rủi ro nói chung và rủi ro tín dụng nói riêng trong thời gian tới MFIs Việt Nam cần chú trọng tới nhiều khâu trong quá trình quản trị rủi ro như hoàn thiện mô hình, chính sách, phát triển đội ngũ nhân lực, cải thiện danh mục...
Đặc biệt, MFIs Việt Nam cần chú trọng việc ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, kênh phân phối hiện đại dựa trên nền tảng kỹ thuật số tạo ra sự nhanh chóng, thuận lợi trong cảnh báo và áp dụng các biện pháp đánh giá và xử lý rủi ro trong hoạt động tín dụng.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Hồng Hải (2016), “Quản trị rủi ro trong tổ chức tài chính vi mô”, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội;
2. Phan Thị Hồng Thảo và cộng sự (2018), Tài liệu học tập “Quản lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô”, Học viện Ngân hàng;
3. Tổ chức Tài chính vi mô CEP, website: http://www.cep.org.vn;
4. Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa, website: http://www.thmicrofinance.org;
5. Tổ chức Tài chính vi mô TNHH M7, website: http://www.m7mfi.vn;
6. Tổ chức Tài chính vi mô TYM, website: http://www.tymfund.org.vn/;
7. VMFWG (2017), “Sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô: Thực trạng và giải pháp phát triển”, Hà Nội, https://microfinance.vn.