Nâng cao hiệu quả quy hoạch, sử dụng đất của Thủ đô

Chiều 2-6, Đoàn công tác số 01 và số 02 của Ban Thường vụ Thành ủy đã khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Luật Đất đai năm 2013 đối với 3 Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tài chính và Quy hoạch - Kiến trúc.

Việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Luật Đất đai năm 2013 đã được các Sở thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Sở đã tham mưu UBND thành phố tiến hành lập, thẩm định về phê duyệt 32/32 đồ án quy hoạch chung, 33/35 đồ án quy hoạch phân khu (còn lại 02 Quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống đã báo cáo xin chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy), 214 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trên 15 nghìn ha.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng đoàn công tác số 01 và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, Trưởng đoàn công tác số 02 chủ trì buổi làm việc

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng đoàn công tác số 01 và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, Trưởng đoàn công tác số 02 chủ trì buổi làm việc

Sở NN&PTNT đã tham mưu xây dựng mô hình thí điểm tích tụ, tập trung đất đai phù hợp với điều kiện tình hình thực tế tại địa phương; đẩy mạnh quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, tạo tiền đề để phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tập thể.

Đến nay, thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha; mỗi hộ gia đình trung bình có từ 10 - 15 ô, thửa được dồn đổi còn 1 - 2 ô, thửa. Các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa, với số lượng 617.964/622.861 GCN (đạt 99,21%).

Về phát triển thị trường đất nông nghiệp, Sở NN&PTNT cho biết tổng diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội là 195.872ha, chiếm 58,3% tổng diện tích đất toàn thành phố. Tuy nhiên, thị trường đất nông nghiệp của Hà Nội hiện nay còn chưa phát triển, đất nông nghiệp lớn nhưng quy mô thị trường còn nhỏ. Thêm vào đó là thực trạng tích tụ, tập trung ruộng đất chủ yếu bằng hình thức dồn điền đổi thửa. Mặc dù đến nay đã thực hiện cơ bản xong nhưng diện tích canh tác nông nghiệp phần lớn vẫn do các hộ nông dân nắm giữ với quy mô nhỏ lẻ, manh mún là chủ yếu.

Sở Tài chính cho biết Sở đã chủ động triển khai, xác định giá đất làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính về đất và kết quả nguồn thu tiền sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, giai đoạn 2011-2015 đã thực hiện 55.285 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 thực hiện 147.498 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường công tác quản lý, sử dụng và kết quả sắp xếp lại, xử lý tài sản công liên quan đến đất đai; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đa dạng hóa các nguồn vốn để tạo quỹ đất sạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai...

Tham dự buổi khảo sát, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những nội dung còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn ấy, đồng thời nêu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quy hoạch sử dụng đất; tập trung, tích tụ đất đai; phát triển thị trường đất nông nghiệp; công tác xác định giá đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; công tác quản lý, sử dụng và kết quả sắp xếp lại, xử lý tài sản công liên quan đến đất đai…

Kết luận buổi khảo sát, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Luật Đất đai năm 2013 tại 3 Sở NN&PTNT, Tài chính và Quy hoạch - Kiến trúc. Thống nhất với những đánh giá về kết quả đạt được, những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của các Sở, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các Sở tiếp tục rà soát lại các kiến nghị, đề xuất, nhất là liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai và hệ thống các luật liên quan để đảm bảo tính đồng bộ.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các Sở hoàn thiện báo cáo; Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo của các đơn vị, tham mưu Ban Cán sự đảng UBND thành phố hoàn thiện, trình Ban Thường vụ Thành ủy để phục vụ công tác tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TƯ cấp thành phố và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 28-5, đoàn công tác số 01 và số 02 của Ban Thường vụ Thành ủy đã khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31-10-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn huyện Gia Lâm và huyện Mê Linh.

Cụ thể, công tác giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn 2 huyện đã được tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, góp phần tăng thu cho ngân sách để tạo nguồn lực lớn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kỹ thuật và phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Gia Lâm đã tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được 940,5 ha, liên quan đến 17.234 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ đã chi trả là 6.107,2 tỉ đồng. Còn huyện Mê Linh đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất được 22,5ha, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 2.315 tỉ đồng.

Hai huyện cũng triển khai đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách quyết liệt, khoa học, có lộ trình. Đến nay, huyện Mê Linh đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu đạt 95,2% các trường hợp đủ điều kiện (nếu bao gồm cả các trường hợp được cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai thì đạt 100%)... Còn huyện Gia Lâm đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đạt tỷ lệ 83,5% (nếu bao gồm cả các trường hợp được cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai thì đạt 98,5%).

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nang-cao-hieu-qua-quy-hoach-su-dung-dat-cua-thu-do-242034.html