Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước trong sản xuất và sinh hoạt
Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan để đẩy mạnh hoạt động điều tra triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Lạch Bạng với mục tiêu bổ sung chuỗi số liệu phục vụ nghiên cứu về triều - mặn, góp phần phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thực hiện đo triều – nặm năm 2024 tại Trạm đo triều – mặn Vạn Ninh thuộc địa bàn xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa).
Ông Lê Hùng Cường, Trưởng Phòng Tài nguyên nước, Sở TN&MT, cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2023-2024, Sở TN&MT đã ban hành kế hoạch thực hiện đo triều mặn trên hệ thống các sông Mã, sông Bạng, sông Yên năm 2024 và lựa chọn đơn vị thực hiện là Đoàn Mỏ - Địa chất Thanh Hóa. Mục đích của việc quan trắc là thu thập số liệu về độ mặn để bổ sung vào chuỗi số liệu điều tra, phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập quy hoạch quản lý khai thác, sử dụng nước ngọt vùng hạ lưu các sông, đồng thời làm cơ sở tính toán, cung cấp các bản tin dự báo xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh".
Tính đến trung tuần tháng 3/2024, sở đã hoàn thành việc đo triều mặn đợt 1 tại 16 trạm trên hệ thống sông Mã, sông Bạng, sông Yên và đang tiếp tục thực hiện việc đo triều mặn đợt 2 tại 6 trạm trên hệ thống sông Lạch Trường. Qua số liệu đo đạc tổng hợp đợt 1 năm 2024 cho thấy mức độ xâm nhập mặn trên hệ thống sông Mã, sông Bạng, sông Yên dao động phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023. Đơn cử như, trên dòng chính sông Mã tại phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn), độ mặn lớn nhất đỉnh triều dao động từ 16,70 - 22,10%o; độ mặn nhỏ nhất chân triều dao động từ 1,98 - 4,86%o. Tại phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa), độ mặn đỉnh triều dao động từ 0,24 - 0,66%o; độ mặn chân triều dao động từ 0,00 - 0,11%o. Độ mặn từ cửa biển vào tới 23,8km (phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) là 1%o.
Trên sông Lèn, trong thời gian điều tra tại Lạch Sung, xã Đa Lộc (Hậu Lộc), độ mặn lớn nhất đỉnh triều dao động từ 16,01 - 20,3%0; độ mặn nhỏ nhất chân triều dao động từ 2,34 - 5,71%o. Tại Cự Thôn, xã Lĩnh Toại (Hà Trung), độ mặn đỉnh triều dao động từ 0,06 - 0,18%o; độ mặn chân triều dao động từ 0,02 - 0,05%o. Độ mặn từ cửa biển vào tới 17,8km (xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung) là 1%o.
Trên sông Yên mức độ xâm nhập mặn dao động phổ biến ở mức nhỏ hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ và thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Độ nặm 1%o có khả năng xâm nhập vào cửa sông tới 19,5km (xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương). Trên sông Hoàng, từ xã Quảng Phúc đến xã Quảng Long (Quảng Xương) mức độ xâm nhập mặn dao động phổ biến ở mức nhỏ hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ và thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tại xã Quảng Phúc, độ mặn đỉnh triều dao động từ 0,05 - 0,28%o; độ mặn chân triều dao động từ 0,01 - 0,03%o.
Trên cơ sở kết quả đo, Sở TN&MT đã cập nhật và công bố bản tin về tình hình xâm nhập mặn trên các tuyến sông cho các ngành, các cấp để chỉ đạo các đơn vị thủy nông, các đơn vị khai thác, sử dụng nước vận hành hợp lý các công trình khai thác nước thuộc vùng sông ảnh hưởng của thủy triều trên hệ thống sông Mã, sông Yên, sông Lạch Bạng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân trong vùng. Kết quả điều tra cũng góp phần bổ sung chuỗi số liệu về triều - mặn trên địa bàn tỉnh, làm căn cứ để nghiên cứu lâu dài, đánh giá khả năng nguồn nước ở vùng ảnh hưởng thủy triều.
Ông Lê Doãn Phương, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa, cho biết: "Kết quả đo triều – mặn của Sở TN&MT và các đơn vị chức năng hằng năm là căn cứ quan trọng để huyện chỉ đạo các địa phương thực thi các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nước, nhất là đối với vùng bị nhiễm mặn. Trong đó, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình kinh tế, khuyến cáo người dân sử dụng hợp lý nguồn nước được huyện đặc biệt quan tâm.
Thực tế cho thấy, nhu cầu cấp nước cho sản xuất, dân sinh trong vùng điều tra là rất lớn và cần thiết. Song, do đặc điểm của chế độ thủy văn vùng triều, về mùa cạn chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nên việc khai thác nước ngọt vùng sông ảnh hưởng triều gặp nhiều khó khăn. Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước, trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá thực trạng triều - mặn của Sở TN&MT, ngành chức năng có liên quan cần tăng cường các giải pháp phòng, chống triều – mặn. Tại các địa phương thuộc vùng sông ảnh hưởng của thủy triều, cần có phương án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sử dụng ít nước tưới, bảo đảm hiệu quả sản xuất; chủ động ngăn ngừa, phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Mỗi người dân nên sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý trong sản xuất và sinh hoạt... Hiện tại, Đoàn Mỏ - Địa chất, Sở TN&MT đang tiếp tục tiến hành quan trắc trên hệ thống sông Mã (Kênh De, sông Lạch Trường) theo kế hoạch năm 2024 làm căn cứ, cơ sở để khuyến cáo người dân, chính quyền địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước.