Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

Pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, việc đảm bảo thực thi pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả quản lý xã hội, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển KT - XH luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Lực lượng cảnh sát giao thông TP. Đông Hà tuyên truyền Luật An toàn giao thông cho học sinh Trường Tiểu học Hàm Nghi -Ảnh: L.M

Lực lượng cảnh sát giao thông TP. Đông Hà tuyên truyền Luật An toàn giao thông cho học sinh Trường Tiểu học Hàm Nghi -Ảnh: L.M

Đưa pháp luật vào cuộc sống

Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Kỳ cho biết: Việc thực tổ chức triển khai thi hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được HĐND, UBND thực hiện nghiêm túc, thông qua các nghị quyết, quyết định, kế hoạch và các văn bản khác được ban hành hằng năm để tổ chức thực hiện. Trong năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 29/1/2023 về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, giao cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị chủ trì triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật được ban hành năm 2022, có hiệu lực trong năm 2023; 6 luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 và các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm ma túy, dịch bệnh, thiên tai, tệ nạn xã hội; hỗ trợ khởi nghiệp; chuyển đổi số; pháp luật về khiếu nại, tố cáo; pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường; vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; Công ước, điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, triển khai các nhiệm vụ trong chương trình, đề án về PBGDPL như: Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và các chương trình, đề án khác theo hướng dẫn của bộ, ngành trung ương.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện được 619 cuộc PBGDPL, trong đó có 353 cuộc cấp tỉnh, 266 cuộc cấp huyện và cấp xã, với tổng số hơn 160.000 lượt người tham dự; tổng số tài liệu phát hành miễn phí là 7.776 bộ.

Ở cấp huyện, chính quyền địa phương đã chủ động ban hành các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và triển khai thi hành các luật mới được ban hành đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân ở địa phương; đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường, đẩy mạnh hoạt động PBGDPL đến với Nhân dân.

Tuân thủ, chấp hành nghiêm pháp luật

Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Kỳ khẳng định: Tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật ở tất cả các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước và ở các địa phương trong thời gian qua cơ bản đã đi vào nền nếp.

Các vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước ở các ngành, lĩnh vực đã được xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Qua hoạt động kiểm tra và rà soát văn bản QPPL nhận thấy các văn bản QPPL của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đều đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, đồng thời chưa phát hiện văn bản trái pháp luật, văn bản có quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo cần phải xử lý theo quy định.

Công tác theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian qua cũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng. Đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính (các đoàn kiểm tra và kiểm tra liên ngành của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giao Thông vận tải...). Qua công tác kiểm tra phát hiện một số sai phạm và đã xử lý, đồng thời kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.

Ông Hoàng Kỳ cho rằng, khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác đảm bảo thực thi pháp luật chính là việc quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện một số luật và các văn bản QPPL còn chậm trễ, một số nội dung chưa rõ ràng gây ra nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như chất lượng giải quyết công việc.

Các quy định trong một số văn bản QPPL còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây nhiều cách hiểu khác nhau nên việc áp dụng lúng túng, khó khăn. Quy định pháp luật thường xuyên thay đổi nên việc theo dõi thi hành pháp luật có lúc chưa kịp thời. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng xây dựng ban hành chính sách, văn bản QPPL nhằm đảm bảo tính khả thi, ổn định, kịp thời, hạn chế sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản QPPL.

Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật cần phải kịp thời, đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện, đồng thời sớm sửa đổi các quy định chưa hợp lý trong luật và các văn bản QPPL... nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật đạt hiệu quả trong cuộc sống.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nang-cao-hieu-qua-thuc-thi-phap-luat/181212.htm