Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách
Chiều 9/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội' trên địa bàn TP Hà Nội.
Tham dự hội nghị về phía T.Ư có Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn.
Về phía TP Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải.
Hơn 1 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá để tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, ngành và đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân.
Cụ thể, TP đã chỉ đạo tập trung triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội. Tính đến 30/4/2024 là 8.776 sản phẩm. Hiện nay, toàn TP đang quản lý và triển khai thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số cho vay 10 năm giai đoạn 2015 đến 30/4/2024 là 38.759 tỷ đồng với 1.031.013 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 28.078 tỷ đồng. Tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng đến 30/4/2024 đạt 15.397 tỷ đồng với 272.412 khách hàng đang vay vốn (tăng 10.676 tỷ đồng so với đầu năm 2014).
Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù của Hà Nội và bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện. Hiện nay, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn có nhiều thay đổi, TP đang chỉ đạo Sở LĐTB&XH chủ trì phối hợp với Chi nhánh NHCSXH TP và các sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu UBND TP báo cáo, trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về đối tượng vay vốn đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH. Đồng thời, tham mưu UBND TP ban hành Quyết định về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 4/8/2017.
Cùng với nguồn vốn cân đối từ T.Ư, hàng năm HĐND, UBND các cấp đã quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh NHCSXH TP đạt 15.452 tỷ đồng (tăng 10.715 tỷ đồng (226%) so với năm 2014).
Thành phố đã quan tâm chỉ đạo kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp. Chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH TP triển khai thực hiện tốt công tác hiện đại hóa tin học, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Trong 10 năm qua, UBND các cấp đã quan tâm hỗ trợ cấp đất để xây dựng trụ sở Chi nhánh NHCSXH TP với diện tích 1.000m2 và tại các Phòng giao dịch cấp huyện với diện tích 2.330m2; 5/28 Phòng giao dịch đã được bố trí cấp đất; 27/28 Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện được nhận bàn giao hoặc tạm giao, mượn trụ sở làm việc ổn định, đáp ứng hoạt động của NHCSXH…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cho thấy chỉ thị thực sự đã đi vào cuốc sống với nhiều kết quả nổi bật.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư đề nghị TP tiếp tục công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng về tín dụng chính sách xã hội, nhất là thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức các cấp, ngành, người dân, DN về ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với TP trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP thông qua việc tiếp tục nâng cao lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền. Nâng cao trách nhiệm MTTQ, các tổ chức chính trị -xã hội và Chi nhánh NHCSXH nhằm đảm bảo tính hiệu quả, bền vững của tín dụng chính sách xã hội trong điều kiện cụ thể của TP, đặc biệt là để thu hút nguồn vốn, chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn…
Từng bước mở rộng đối tượng vay vốn chính sách xã hội
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Thành ủy và UBND Hà Nội đã ban hành chỉ thị và kế hoạch để thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Chỉ đạo các sở, ngành của TP và quận/huyện/thị xã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp gắn với tình hình thực tiễn tại Thủ đô. Đồng thời quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP.
Cùng với nguồn vốn cân đối từ T.Ư, hàng năm, HĐND và các cấp TP đã quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng chính sách để bổ sung nguồn vốn vay để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo, đối tượng chính sách.
Việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt là chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn TP.
Thành phố luôn quan tâm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù của Hà Nội và bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện. Nhờ đó, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động, tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân; Chủ tịch UBND TP tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 25 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung chỉ thị để góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Ngoài ra, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của cơ sở và người dân góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đối với UBND TP, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách của TP hằng năm, tiếp tục nghiên cứu chuyển một phần ngân sách sang Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP cho người dân vay vốn.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và trong từng giai đoạn. Đồng thời tiếp tục quan tâm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Đối với Chi nhánh NHCSXH TP tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù. Đề xuất từng bước mở rộng đối tượng vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động gắn với đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-cao-hon-nua-chat-luong-hieu-qua-von-tin-dung-chinh-sach.html