Nâng cao hơn nữa kỷ cương, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

Sáng 8.9, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Bổ sung “chế tài” đối với việc chậm gửi tài liệu

Trình bàyTờ trình về dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, qua tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nội quy Kỳ họp Quốc hội năm 2015 cho thấy nhiều quy định vẫn đang phát huy hiệu quả. Do đó, trên cơ sở thực tiễn và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, dự thảo Nội quy Kỳ họp (sửa đổi) bổ sung 10 điều, sửa đổi 42 điều, kế thừa nguyên văn 5 điều (tăng 1 điều so với Nội quy hiện hành) và hình thức văn bản là Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bàyTờ trình về dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hồ Long

Cụ thể, dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội. Dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cũng dành 1 điều quy định dẫn chiếu các luật, nghị quyết đã quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung tại kỳ họp Quốc hội, bao gồm: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân.

Đáng chú ý, dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp tại Điều 7 theo hướng bỏ quy định dẫn chiếu về việc bắt buộc gửi tài liệu giấy đối với tờ trình, dự thảo văn bản, báo cáo thẩm tra đến đại biểu Quốc hội theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bổ sung quy định thủ tục xem xét, quyết định lưu hành đối với loại tài liệu chưa được xác định là tài liệu chính thức, tài liệu tham khảo để gửi đại biểu Quốc hội; quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi nhận được thông tin xấu, độc, không rõ nguồn gốc về nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp; quy định hình thức chế tài nhằm khắc phục tình trạng các cơ quan chậm gửi tài liệu kỳ họp theo hướng công khai danh sách các cơ quan và lý do gửi chậm tài liệu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo. Ảnh: Hồ Long

Trình bày Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định“Danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu Quốc hội” tại khoản 3 Điều 7 của dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ, việc cơ quan trình chậm gửi hồ sơ, tài liệu còn làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra đối với dự án, dự thảo do các cơ quan của Quốc hội không có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến chuyên gia, chuẩn bị ý kiến thẩm tra. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 3 Điều 64) đã quy định Cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn”. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung này để bảo đảm sự đồng bộ trong quy định của luật và Nội quy kỳ họp; đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định giao Văn phòng Quốc hội theo dõi, tổng hợp danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi tài liệu chậm, lý do gửi chậm làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Phát huy vai trò quan trọng của Chủ tọa điều hành phiên họp

Tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội; đánh giá hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng của kỳ họp Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nêu thực tế cử tri và Nhân dân có phản ánh về tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt trong các phiên họp quan trọng, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, để khắc phục tình trạng này, cần có quy định cụ thể về quy trình xin nghỉ họp do điều kiện bất khả kháng để nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tham gia đầy đủ các phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho rằng, tại các phiên thảo luận, có những ý kiến trùng lặp giữa các đại biểu gây lãng phí thời gian, giảm chất lượng thảo luận. Do đó, đề nghị các đại biểu cần có ý thức cao, tinh thần tự giác, trách nhiệm để lược bỏ các nội dung trùng lặp khi phát biểu. Cùng với đó, cần phát huy vai trò quan trọng của Chủ tọa điều hành phiên họp để giảm bớt các nội dung trùng lặp, nâng cao chất lượng thảo luận.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) thống nhất cao với việc bổ sung quy định về phân công người trình bày dự án, dự thảo báo cáo trước Quốc hội trong trường hợp người đại diện của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình không thể thuyết trình dự án, dự thảo. Nêu rõ trong các Kỳ họp còn một số đại biểu đăng ký tranh luận nhưng khi phát biểu thì lại nêu quan điểm thực chất không phải là tranh luận hoặc "lách" quy định để được ưu tiên phát biểu trước, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng cần lưu ý quy định về vai trò của Chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp được yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận nếu đại biểu Quốc hội không tranh luận, chất vấn đúng nội dung và sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn.

Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát lại các quy định để tránh việc trùng lặp một số nội dung về trình tự điều hành của chủ tọa; bổ sung hoàn thiện quy định về bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ khi có sự thay đổi, điều chuyển trong công tác nhân sự.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nang-cao-hon-nua-ky-cuong-trach-nhiem-cua-dai-bieu-quoc-hoi-i300203/