Nâng cao khả năng cạnh tranh của hoạt động logistics với thị trường Hoa Kỳ
Bộ Công Thương tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến 'Nâng cao khả năng cạnh tranh của hoạt động logistics Việt Nam với thị trường Hoa Kỳ'.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho thấy, năm 2022 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 109,38 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu đầu tiên đạt mốc 100 tỷ, tăng 13,6%, chiếm tỷ trọng 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong năm 2023, theo đánh giá, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều tiếp tục duy trì ở mức trên 100 tỷ USD. Tuy vậy, bên cạnh những kỳ vọng thì hợp tác thương mại với thị trường Hoa Kỳ được đánh giá sẽ có những thách thức song hành bởi các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn kinh doanh với quốc gia này phải đối mặt với những hệ lụy do ảnh hưởng của áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn dẫn đến việc suy giảm các đơn hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, quốc gia này cũng đưa ra rào cản, như rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Và những thách thức này không chỉ tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu mà đối với các doanh nghiệp logistics cũng chịu áp lực tương tự.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh và mạnh với tốc độ trung bình từ 13 - 15%/năm. Số liệu thống kê và thực tiễn thương mại chỉ ra logistics là ngành dịch vụ quan trọng, được coi là xương sống, đóng vai trò hỗ trợ kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, logistics cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì tính bền vững, nâng cao tính chống chịu của chuỗi cung ứng hàng hóa, cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo bảng xếp hạng hằng năm của Agility năm 2023, logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam thời gian qua. Nhờ đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ra thế giới nói chung và tới Hoa Kỳ nói riêng liên tục tăng, bất chấp sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 cũng như tình hình bất ổn địa chính trị và xung đột thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng doanh nghiệp logistics trong nước dù chiếm khoảng 89% nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; hệ sinh thái logistics còn yếu, thiếu tính liên kết, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, làm động lực dẫn dắt thị trường...
Để làm rõ hơn những khó khăn thách thức trong lĩnh vực lĩnh vực logistics với thị trường Hoa Kỳ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đã tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến chủ đề “Nâng cao khả năng cạnh tranh của hoạt động logistics Việt Nam với thị trường Hoa Kỳ”.
Tham dự tọa đàm có các diễn giả: Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương; ông Vũ Đức Biên -Tổng giám đốc Viettravel Airlines; ông Nguyễn Nhật Nguyên - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vận tải thương mại Biển Xanh.
Tại tọa đàm các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng trao đổi, đưa ra các giải pháp để các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động logistics với thị trường Hoa Kỳ; đồng thời chỉ ra những khuyến cáo từ cơ quan chức năng để doanh nghiệp trong ngành chủ động xây dựng chiến lược phát triển bài bản, từng bước mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động.
Nội dung chương trình tọa xem tại đây