Nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân

Xác định rõ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số; thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã không ngừng đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền để đưa pháp luật đến gần hơn với người dân. Từ đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân thôn Bản Máy, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì). Ảnh: Tư liệu

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân thôn Bản Máy, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì). Ảnh: Tư liệu

Xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, giao thông đến các thôn, bản khó khăn, tiếp giáp với nhiều xã như: Lao Chải, Cao Bồ, Thượng Sơn (Vị Xuyên) và các xã Bản Nhùng, Tân Tiến, Đản Ván (Hoàng Su Phì) nên tình hình an ninh, trật tự tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể chủ động phối hợp với lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL tới các tầng lớp nhân dân; vận động quần chúng tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm. Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua các cuộc họp, hội nghị, tuyên truyền trực quan, qua khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp, hội thi… Từ đó thu hút người dân quan tâm tìm hiểu pháp luật.

Ông Vùi Chỉn Lương, thôn Tả Lèng, xã Túng Sán cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, PBGDPL của chính quyền, đoàn thể và lực lượng công an, người dân trong thôn ngày càng nắm rõ các quy định của pháp luật, tự giác vận động người thân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy ước, hương ước của thôn; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất. Nhờ đó, những năm gần đây, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn luôn ổn định, các hành vi vi phạm pháp luật giảm đáng kể.

Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, nội dung tập trung vào các quy định pháp luật mới, chú trọng một số nội dung của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Phòng chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ… Tăng cường củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Hiện, toàn tỉnh có 161 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 364 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 3.070 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền miệng được 6.944 cuộc, thu hút 599.835 lượt người nghe. Tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai văn bản pháp luật mới ban hành cho trên 8.500 đại biểu tham dự. Tổ chức 69 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 12.733 lượt người tham gia. Biên soạn 497.521 tài liệu tuyên truyền pháp luật cấp phát cho các ngành, địa phương và người dân. Cùng với đó, việc triển khai PBGDPL cho các đối tượng đặc thù luôn được quan tâm. Trong đó, tuyên truyền cho nông dân được 2.500 cuộc, thu hút 120.355 lượt người tham gia; tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số được 460 cuộc với trên 49.000 lượt người nghe; tuyên truyền cho lao động tại các doanh nghiệp được 133 cuộc, thu hút gần 17.000 người nghe; tuyên truyền cho người khuyết tật được 19 cuộc/179 lượt người; tuyên truyền cho người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc được 27 cuộc/569 lượt người.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở gắn với nhiều hình thức, biện pháp cụ thể. Các huyện, thành phố tiếp nhận 885 vụ việc, trong đó hòa giải thành 695 vụ việc, đạt tỷ lệ 78,5%. Qua đó, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân, giữ ổn định tình hình địa bàn, làm giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.

Thông qua việc đa dạng hóa nội dung, hình thức, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL đã giúp pháp luật thực sự đi sâu vào cuộc sống, đến với người dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phap-luat/202107/nang-cao-kien-thuc-phap-luat-cho-nguoi-dan-778229/