Nâng cao kiến thức phòng, chống dịch cho tuổi ô mai
Ngoài giờ học online, còn thời gian rảnh, thay vì tìm hiểu học thêm trên không gian mạng thì nhiều em ở cái tuổi ô mai rủ nhau đi chơi và tụ tập. Các em chưa được tiêm đầy đủ vắc xin Covid-19 nên nguy cơ rất dễ bị lây nhiễm bệnh.
Nâng cao kiến thức phòng
Tụ tập
Chỉ cần đi một vòng những quán cóc ở các hẻm nhỏ, khu dân cư hoặc ngay cả những quán cà phê phòng lạnh sẽ thấy không ít thanh thiếu niên ở tuổi “ten” hay còn gọi tuổi ô mai tụ tập vui chơi, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần. Có em mang khẩu trang, nhưng cũng có em không, điều này rất nguy hiểm khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ở lứa tuổi này, các em rất ham vui và ngang ngạnh “dở dở ương ương nửa người lớn nửa trẻ con”. Dịch bệnh học online ở nhà để phòng, chống dịch nên việc quản lý các em rất khó. Nhiều em sống trong gia đình khá giả không nói, có em gia đình khó khăn, nhưng vẫn học đòi chơi bời, rủ rê bạn tụ tập ăn chơi mặc dù ba mẹ khuyên nhủ hết lời. Việc đi chơi giúp các em thoải mái sau những giờ học tập căng thẳng, nâng cao thể lực. Tuy vậy, Bình Thuận vẫn còn là “điểm nóng” của dịch bệnh nên các em cần hạn chế tụ tập nếu không sẽ nhiễm bệnh và lây lan cho gia đình mình.
Quản lý kỹ các em
Việc bảo vệ lứa tuổi này “zero Covid-19” trong thời gian tạm thời ở nhà phòng dịch, không ai ngoài ba mẹ. Các em đi đâu, làm gì ba mẹ cần theo dõi, giám sát nhắc nhở vì sức khỏe gia đình rất quan trọng, nếu một người nhiễm sẽ phải cách ly cả gia đình, thậm chí cả cộng đồng. Chưa kể tính mạng của người bị nhiễm nếu bệnh nặng. “Thời điểm vừa hết Chỉ thị 16, chuyển sang thực hiện Nghị định 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, là tụi nhỏ nhấp nhỏm hẹn nhau đi chơi. Ngày nào cũng nhắc nhở về mức độ nguy hiểm của Covid-19 cho các con nghe và dặn dò mỗi khi ra khỏi nhà”, chị Nguyễn Thị Định ở phường Đức Long chia sẻ.
Ngoài ra trong những buổi học online nhà trường cũng nên lồng ghép nhắc nhở các em phòng dịch. Dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, người lớn tập cho các em sống có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình mình. Kết hợp giữa gia đình và nhà trường, cùng với ngành chức năng có liên quan giúp các em nhận thức, hiểu hơn về những nguy hiểm của dịch bệnh. Có như vậy trong các thông báo ca nghi nhiễm cộng đồng trên địa bàn tỉnh của Sở Y tế không còn xuất hiện những con số năm sinh của thế hệ 10x bị nghi nhiễm Covid-19. Thông báo số 168 công bố ca nhiễm vào cuối tháng 10, thời điểm nới lỏng, chuẩn bị bước sang giai đoạn thích ứng với dịch là bằng chứng. Cả Phan Thiết có 23 ca nghi nhiễm, trong đó phần lớn ca nhiễm từ 10 - 17 tuổi. “Từ lớp 7 - 9, nhất là lớp 8, lứa tuổi “nổi loạn” thích làm theo ý của mình. Gia đình và nhà trường cần phải theo dõi, giám sát để chỉ bảo cái gì nên và không nên, nếu không dễ vi phạm pháp luật”, cô Huỳnh Thị Hạnh – giáo viên dạy văn tại một trường THCS chia sẻ.
Ninh Chinh