Nâng cao kiến thức về pháp luật lao động, pháp luật bầu cử
Sáng 14-4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: 'Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026'.
Khách mời giải đáp các câu hỏi cho người lao động.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức và gần 300 người lao động gồm: Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn; Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội) Dương Thị Minh Châu; Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng.
Các vấn đề về tiền lương, thưởng, nghỉ luân phiên trong giai đoạn cắt giảm việc làm, phương thức đóng bảo hiểm xã hội, lựa chọn nơi bỏ phiếu bầu cử được các đại biểu tham dự đặc biệt quan tâm. Theo ông Tạ Văn Dưỡng, hiện nhiều công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, buộc phải cho người lao động nghỉ luân phiên. Theo Bộ luật Lao động năm 2019 có 2 hình thức xử lý:
Một là, người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động. Trong thời gian tạm hoãn, người lao động không được hưởng lương trừ khi hai bên có thỏa thuận khác. Hai là, nếu người lao động nghỉ việc luân phiên thì trong thời gian đó doanh nghiệp phải chi trả tiền lương nghỉ việc cho họ theo quy định của Bộ luật Lao động. Nếu doanh nghiệp không có sự thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng là vi phạm pháp luật.
Trả lời câu hỏi tại sao người lao động trong doanh nghiệp tư nhân đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương nhưng không được tính trượt giá hằng năm như doanh nghiệp nhà nước tính lương theo hệ số, bà Dương Thị Minh Châu khẳng định, người lao động hưởng lương do người sử dụng lao động trả thì đều được hỗ trợ trượt giá như nhau chứ không có sự phân biệt về loại hình doanh nghiệp.
Về vấn đề người đang cai nghiện trong các trung tâm cai nghiện thực hiện quyền bầu cử như thế nào, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn cho biết, đối với cử tri là người tự nguyện xin vào cai nghiện, chữa trị tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì việc bảo đảm thực hiện quyền bầu cử được xác định như đối với cử tri là người tạm trú. Theo đó, nếu đến trước ngày bầu cử những cử tri này trở về nơi thường trú thì được bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã.
Trường hợp đến ngày bầu cử họ vẫn đang thực hiện việc cai nghiện, thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử chưa đủ 12 tháng thì những cử tri này được tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện; nếu thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử là từ đủ 12 tháng trở lên thì họ được tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ở cả 3 cấp tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở cai nghiện.
Nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho tất cả cử tri đều được tự do lựa chọn người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Theo đó, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Cử tri viết phiếu bầu trong khu vực riêng, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu.