Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị 39-CT/TU về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị mới này trên cơ sở kế thừa Chỉ thị 23-CT/TU nhằm nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đổi mới lề lối, phong cách làm việc gắn với xây dựng văn hóa công sở, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính
Chỉ thị 39-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là các bộ phận trực tiếp tiếp xúc, hướng dẫn cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi công khai đối với các trường hợp giải quyết thủ tục hành chính sai sót, trễ hạn; thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Cùng với đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trước hết phải gương mẫu đi đầu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm cá nhân trong chỉ đạo, điều hành và quản lý.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động: Nghiêm cấm lợi dụng nhiệm vụ, vị trí công tác để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, kể cả thời gian được phân công trực…
Trước khi có chỉ thị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy từng ban hành Chỉ thị 23-CT/TU, ngày 3/6/2013 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, qua 10 năm thực hiện, hiệu quả quản lý và hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương được nâng lên và được đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; thái độ phục vụ, giao tiếp ứng xử có lúc chưa thật sự thân thiện; tiến độ giải quyết công việc chưa đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính chuyển biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở Nội vụ tỉnh tổ chức kiểm tra đột xuất 233 đợt và 8 đợt kiểm tra theo phản ánh, kiến nghị của công dân; qua đó đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu 60 cơ quan, đơn vị trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Tuyên truyền rộng rãi, quyết liệt thực hiện
Theo đồng chí Huỳnh Lữ Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa, việc ban hành Chỉ thị 39-CT/TU rất kịp thời, phù hợp yêu cầu của tình hình mới. Cụ thể hóa Chỉ thị 39-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành chỉ thị riêng cho thành phố, đề nghị các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; tăng cường vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan trong công tác quản lý nhà nước nói chung và kỷ luật, kỷ cương hành chính nói riêng. Thành ủy, UBND thành phố sẽ tăng cường kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra đột xuất các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Để thực hiện Chỉ thị 39-CT/TU đi vào nền nếp, đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm chỉ thị này và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Cùng với tăng cường giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương cần tăng cường vận động sự tham gia, giám sát, đánh giá của người dân, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện chỉ thị này trên địa bàn; tiếp tục duy trì hiệu quả số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.