Nâng cao kỹ năng bào chữa của luật sư trong vụ án hình sự về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
Đây là vấn đề được quan tâm, trao đổi tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kỹ năng bào chữa của Luật sư trong vụ án hình sự về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế với sự tài trợ của Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) do Học viện Tư pháp vừa tổ chức.
Dự hội thảo có bà Anne Katharina Zimmermann - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về pháp luật, Bộ Tư pháp CHLB Đức; bà Marie Gallasch - cán bộ Đại sứ quán Đức tại Hà Nội; Bà Swetlana Schaworonkowa - Luật sư tư vấn cao cấp, Đoàn Luật sư liên bang, CHLB Đức; bà Angela Schmeink - Trưởng Văn phòng phụ trách Khu vực châu Á, Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật; bà Nguyễn Quỳnh Hoa - Quản lý tại Hà Nội; ông Nguyễn Xuân Thu - Giám đốc Học viện Tư pháp cùng đông đảo chuyên gia Đức, cán bộ, giảng viên và học viên của Học viện Tư pháp.
Triển khai Kế hoạch hoạt động năm 2022-2023 của Chương trình hợp tác ba năm Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang CHLB Đức, Học viện Tư pháp, Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật và Đoàn Luật sư liên bang, CHLB Đức cùng phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kỹ năng bào chữa của luật sư trong vụ án hình sự về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế với hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu vui mửng chào đón các đại biểu dự hội thảo; cảm ơn các chuyên gia IRZ đã giúp đỡ Học viện Tư pháp trong hơn 10 năm vừa qua với 53 hoạt động có hiệu quả tốt đẹp, đạt mục tiêu nâng cao năng lực của giảng viên, cung cấp kiến thức về pháp luật quốc tế cho học viên, làm phong phú thêm kho học liệu của Học viện Tư pháp.
Giám đốc Học viện Tư pháp mong muốn tại hội thảo này, các chuyên gia Đức và chuyên gia Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến chủ đề kỹ năng bào chữa của luật sư trong vụ án hình sự về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận và trao đổi tổng quan về: Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và vai trò của luật sư bào chữa khi tham gia giải quyết các vụ án này ở Việt Nam; Tìm hiểu đặc điểm tâm lý tư pháp của bị can, bị cáo trong vụ án về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Chia sẻ thông tin về hoạt động tự quản của nghề luật sư tại Đức, về kinh nghiệm của luật sư tiếp xúc, trao đổi với thân chủ là bị can, bị cáo trong vụ án về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, kinh nghiệm và kỹ năng của luật sư khi thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc bào chữa cho người bị buộc tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Kinh nghiệm và kỹ năng của luật sư khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; kinh nghiệm và kỹ năng của luật sư khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hình sự về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (bao gồm kỹ năng hỏi, trình bày luận cứ bào chữa, tranh luận tại phiên tòa).
TS. Lê Thị Thúy Nga, Trưởng khoa đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đánh giá, những kiến thức, kinh nghiệm được các luật sư chia sẻ tại Hội thảo giúp cho giảng viên, học viên học hỏi, nâng cao trình độ, phục vụ trực tiếp cho hoạt động giảng dạy và học tập.
Đặc biệt, thông qua hội thảo, các học viên lớp đào tạo nghề luật sư và lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp sẽ hiểu sâu sắc hơn về sứ mệnh nghề nghiệp của luật sư và tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng cho bước đường nghề nghiệp tương lai.
TS. Ngô Thị Ngọc Vân, Phó trưởng khoa đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư cho rằng, hội thảo tạo cơ hội cho các luật sư và giảng viên giảng dạy nghề luật sư trao đổi, học hỏi những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết khi tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án hình sự về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Đây cũng là cơ hội để các bạn học viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học quốc tế, cơ hội tiếp cận kiến thức mới và học hỏi kinh nghiệm từ các diễn giả, chuyên gia nước ngoài.
“Hi vọng rằng các bạn học viên luôn trân trọng những cơ hội được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các diễn đàn trao đổi quốc tế để từ đó nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm cho việc hành nghề trong tương lai”, TS Ngô Thị Ngọc Vân chia sẻ.