Nâng cao kỹ năng cho cha mẹ trong chăm sóc trẻ thơ

Cha mẹ có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, vừa là bạn, vừa là thầy hướng dẫn trẻ các quy tắc và kỹ năng ứng xử để trở thành công dân có ích.

Hội LHPN Việt Nam hướng dẫn, hỗ trợ các cấp hội triển khai mô hình "Nhóm cha mẹ có con từ 0-8 tuổi" nhằm giúp cha mẹ kích thích sự phát triển toàn diện ở trẻ thơ dựa vào các mốc phát triển của trẻ.

Theo bà Lê Kim Hằng, đại diện Tổ chức Plan Việt Nam, cha mẹ có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, là người yêu thương và chăm sóc trẻ quan trọng nhất trong giai đoạn đầu đời, là người thầy đầu tiên của trẻ, hướng dẫn trẻ các quy tắc và kỹ năng ứng xử, kỷ luật tích cực để trẻ trở thành công dân có ích sau này.

Sau thời gian triển khai thí điểm, vừa qua, Hội LHPN Việt Nam đã tập huấn kỹ năng cho cán bộ chủ chốt Hội LHPN tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Hậu Giang. Theo đó, chú trọng đến một số mô hình hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc, phát triển trẻ em gắn với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc như: CLB xây dựng gia đình hạnh phúc, Nhóm cha mẹ có con từ 0-8 tuổi, CLB cha mẹ nuôi dạy con tốt… nhằm mục đích tăng cường phát huy vai trò quan trọng của cha mẹ và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc và phát triển trẻ em.

Giờ học của thầy trò Học viện Giao tiếp quốc tế IC Academy, Trường Việt Anh.

Giờ học của thầy trò Học viện Giao tiếp quốc tế IC Academy, Trường Việt Anh.

Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh Cà Mau Lữ Thị Anh Thư chia sẻ, những kiến thức, kinh nghiệm từ lớp tập huấn rất phù hợp để các cấp hội thực hiện tốt Đề án 938 ngày 30/6/2017 của Chính phủ về tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027. Đặc biệt, giúp giải quyết được sự lúng túng của các ông bố bà mẹ trong chăm sóc và nuôi dạy trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ từ 0-8 tuổi. Từ những kiến thức này, các cấp hội phụ nữ có thể áp dụng vào tổ chức sinh hoạt các CLB, chi hội phụ nữ, góp phần đổi mới phương pháp tổ chức sinh hoạt để thu hút hội viên.

Khi tham gia sinh hoạt nhóm, cha mẹ không chỉ nâng cao về nhận thức, hiểu biết hơn về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ con, các bà mẹ cho con bú trong thời gian dài hơn, chế biến được các món ăn đủ dinh dưỡng cho con. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ sẽ biết đưa con đi tiêm phòng, đi khám bệnh khi con bị ốm, thực hiện ngăn ngừa nguy cơ tai nạn thương tích, nguy cơ bị xâm hại cho trẻ; Hiểu biết tầm quan trọng của việc học hành đối với con, dành thời gian tâm sự với con, hỗ trợ con mọi mặt trong cuộc sống. Đặc biệt là góp phần thay đổi định kiến giới về vai trò chăm sóc và nuôi dạy con cái, các ông chồng hiểu rằng mình cũng cần phải tham gia, chia sẻ với vợ trong quá trình nuôi dạy con./.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có trên 265 ngàn trẻ em dưới 16 tuổi, gần 127 ngàn trẻ dưới 6 tuổi. Trong đó, có 3.420 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật Trẻ em 2016. Trong 3 năm (2016-2018), toàn tỉnh có 73 trẻ bị xâm hại tình dục; 90 trẻ vi phạm pháp luật; 14 trẻ nghiện ma túy; 5 trẻ bị ngược đãi, bạo lực; Hơn 1 ngàn trẻ bị tai nạn thương tích.

Thanh Phương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nang-cao-ky-nang-cho-cha-me-trong-cham-soc-tre-tho-a27772.html