Nâng cao kỹ năng về Phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép cho cán bộ trẻ
Nhằm Phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép, khóa đào tạo cho 20 cán bộ trẻ đến từ 8 tỉnh, thành trên cả nước đã được tổ chức tại Hà Nội và Ninh Bình.
Với mục đích phát triển năng lực và tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi tham gia công tác bảo tồn thiên nhiên, từ ngày 8-20/5, Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) đã hợp tác cùng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội (INEST) tổ chức khóa học ngắn hạn “Phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép (CWT)”. 20 học viên sáng giá đã được lựa chọn từ 50 đơn đăng ký đến từ 8 tỉnh thành trên toàn quốc để tham gia khóa học.
Khóa học Phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép 2023 bao gồm hợp phần lý thuyết và thực hành, được thiết kế với nhiều nội dung và hoạt động đổi mới, nhằm đáp ứng thực tiễn và nhu cầu làm việc trong ngành bảo tồn. Đặc biệt năm nay, các học viên sẽ được tham gia thực hành và trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Điều phối khóa học chia sẻ: “Năm nay, chúng tôi đồng hành cùng Save Vietnam’s Wildlife (SVW) xây dựng và tổ chức hợp phần thực hành cho học viên CWT trong 1,5 ngày tại Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê (CPCP). Các bạn sẽ được học tập, hướng dẫn thực hành và trải nghiệm đa dạng các hoạt động cứu hộ, chăm sóc các loài thú ăn thịt và tê tê bị tịch thu từ các vụ săn bắt và buôn bán trái phép.”
Các đối tượng học viên tham gia khóa học năm nay khá đa dạng, bao gồm: những nhà bảo tồn trẻ đang công tác tại Việt Nam mong muốn trau dồi kiến thức, chuyên môn về chủ đề khóa học; người đang đi làm trong bất cứ ngành nghề nào có mong muốn tìm hiểu về bảo tồn động vật hoang dã; học viên đang học sau đại học với bất kỳ chuyên ngành nào như sinh học, thực thi pháp luật, kinh tế, giáo dục, truyền thông, ... có mối quan tâm đặc biệt đến các chủ đề của khóa học triển khai.
Không chỉ vậy, CWT 2023 có sự góp mặt giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên trực tiếp có kinh nghiệm trong ngành bảo tồn. Song song với đó là nội dung chia sẻ thực tiễn từ khách mời đến từ những tổ chức bảo tồn lớn đang hoạt động tại Việt Nam: Tổ chức bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Tổ chức Động vật Châu Á (AAF), Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt nam (SVW), Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP), Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR), Học viện Cảnh sát Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường ĐH Bách khoa Hà Nội (INEST - HUST).
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc WildAct - cho biết khóa học là nơi WildAct mong muốn tăng cơ hội việc làm trong ngành bảo tồn cho các nhà bảo tồn trẻ. Đồng thời, giúp các bạn có cái nhìn thực tế hơn về ngành, qua đó tìm hiểu mức độ phù hợp của bản thân với ngành nghề bảo tồn.
TS. Thu Trang chia sẻ: Bảo tồn là một ngành nghề rất đặc thù và hiện nay ở Việt Nam chưa có cơ sở giáo dục đào tạo chuyên về ngành. Để tiếp cận và đi xa hơn trong ngành bảo tồn, Trang và nhiều đồng nghiệp phải tham gia nhiều khóa đào tạo, tập huấn ở nước ngoài để nâng cao tay nghề và mở rộng mạng lưới chuyên môn. Điều này khiến Trang trăn trở, bởi không phải ai cũng có đủ điều kiện và khả năng ngoại ngữ để có thể học tập và trải nghiệm tại nước ngoài. Chính vì vậy, ý tưởng tổ chức một chương trình học là bước đệm cho các nhà bảo tồn trẻ đã ra đời và liên tục được đổi mới trong hơn 4 năm qua. Khóa học trang bị cho học viên các kiến thức, kỹ năng, công cụ, và tư duy cơ bản để bắt đầu hành trình bảo tồn. Khóa học cũng là một trong những bước đi đầu tiên để WildAct cùng các đối tác phát triển một chương trình đào tạo chính quy về ngành bảo tồn trong tương lai, nhằm nâng cao nguồn nhân lực và năng lực trong bảo tồn của Việt nam.
PGS.TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Viện trưởng Viện INEST – đơn vị đồng tổ chức khóa học chia sẻ: “Khóa học là một trong những cơ hội quý giá và cần thiết để phát triển nguồn nhân lực bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, chúng tôi rất vui khi được đồng hành cùng WildAct để tổ chức những khóa học mang tính thực tiễn như thế này”.
Sau 4 năm thực hiện, khóa học đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho những cựu học viên và giúp các bạn tiếp cận sâu hơn với ngành bảo tồn. Chị Trần Hải Yến sau khi tham gia khóa học CWT 2022 đã liên tục có những thay đổi mới mẻ và tích cực trong công việc, đạt được nhiều thành tựu trong ngành bảo tồn như: được lựa chọn trở thành người trình bày đề tài về Bảo tồn Thiên nhiên trong khoảng 100 người đăng ký tại Hội thảo Khoa học Sinh viên về Bảo tồn Thiên nhiên 2022; học bổng tham gia thực địa khóa tập huấn Bảo tồn thú Linh trưởng Việt Nam của HĐV Frankfurt Việt Nam; đoạt giải “Phim ngắn bảo vệ động vật hoang dã” do dự án “Thanh niên trẻ Việt Nam bảo tồn động vật hoang dã” tổ chức.
Khi được hỏi về cảm nghĩ sau khi tham gia khóa học CWT 2022, chị chia sẻ: “Yến thật sự trân trọng những kiến thức, cơ hội và lòng nhiệt thành rất lớn mà WildAct đã dành cho các học viên. Cảm ơn WildAct đã tặng mình những món quà tri thức trong khóa học và cả sau khóa học, từ một bạn trẻ ngoại đạo không có cơ hội ở bất kỳ đâu, WildAct chính là một trong những cơ hội lớn giúp mình được nhìn nhận.”