Nâng cao kỹ năng xử lý sự cố trên biển cho ngư dân, giảm rác thải nhựa
Hàng trăm ngư dân tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang đã được cung cấp các kiến thức về pháp luật trong hoạt động đánh bắt trên biển, các kỹ năng xử lý sự cố khi gặp tai nạn và cùng chung tay hướng tới giảm lượng rác thải nhựa tại vùng biển này.
Hàng trăm ngư dân tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang đã được cung cấp các kiến thức về pháp luật trong hoạt động đánh bắt trên biển, các kỹ năng xử lý sự cố khi gặp tai nạn và cùng chung tay hướng tới giảm lượng rác thải nhựa tại vùng biển này.
Để tiếp tục góp phần vào việc bảo đảm an toàn hàng hải và tổ chức thực hiện tốt các quy định về tìm kiếm cứu nạn, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước SAR 79, ngày 2-10, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hàng hải Việt Nam phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai -TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang tổ chức Chương trình với nội dung “Tuyên truyền nâng cao nhận thức trong thực hiện quy định Luật pháp Việt Nam về bảo đảm an toàn, tìm kiếm cứu nạn trên biển theo công ước SAR 79”.
Tuyên truyền nhằm giảm thiểu các thiệt hại tai nạn giao thông trên biển
Buổi tuyên truyền nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, ngư dân khu vực biên giới biển huyện đảo Phú Quốc về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; Khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đảo; Tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông; Nâng cao kiến thức phòng ngừa tai nạn, rủi ro và an toàn đi biển cho bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt thủy, hải sản trên biển.
Phát biểu tại buổi tuyên truyền, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian gần đây, với sự phát triển của các tuyến vận tải ven biển đã góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giảm tải cho hoạt động vận tải đường bộ. Tuy nhiên, kèm theo đó là tình trạng mất an toàn, tai nạn đối với các phương tiện là tàu SB, tàu vận tải nhỏ và tai nạn tàu cá gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải phát biểu.
Vì vậy, để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo đảm trật tự an toàn gaio thông năm 2020, nhằm giảm thiểu các thiệt hại tai nạn giao thông trên biển liên quan đến tàu vận tải nhỏ, SB, tàu du lịch, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp, yêu cầu các cục, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền cho các thuyền viên tàu vận tải nhỏ, tàu SB, tàu du lịch và các ngư dân, chủ tàu thyền, chủ phương tiện vận tải các thông tin, kinh nghiệm thực tế trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn tàu thuyền, an toàn cho thuyền viên, người lái phương tiện, công tác tìm kiếm cứu nạn.
Theo Trung tá Bùi Đắc Kiên, Phòng tìm kiếm cứu nạn Hàng không, hàng hải, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, qua thống kê nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn trên biển là một lực lượng không nhỏ ngư dân còn chủ quan khi cho tàu ra khơi đánh bắt khi tàu, thuyền chưa đáp ứng yêu cầu về công tác kiểm định, chưa trang bị đủ các trang bị cứu sinh, trang bị về an toàn đi biển.
Trung tá Bùi Đắc Kiên, Phòng tìm kiếm cứu nạn Hàng không, hàng hải, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Hiện nay, nhiều bà con ngư dân đi đánh bắt xa bờ, ở những vùng nước cách xa các đơn vị cứu hộ, cứu nạn. “Tàu của lực lượng cứu nạn tăng tốc trong trường hợp khẩn cấp cũng chỉ đạt tốc độ 12-15 lý/giờ, nhưng có những vụ cứu nạn xa hơn 300 hải lý, rất khó khăn cho lực lượng cứu nạn. Vì thế, tôi đề nghị bà con tương trợ, phát huy tốt phương châm bốn tại chỗ, ưu tiên cứu người trước, cứu phương tiện sau. Các địa phương cần quan tâm trong thông tin liên lạc thường xuyên với bà con để hỗ trợ ngư dân”, ông Kiên nói.
Tại buổi tuyên truyền, Trung tá Bùi Đắc Kiên đã thông tin tới ngư dân về ba nội dung quan trọng: Giới thiệu cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Giới thiệu một số vấn đề chung về Tìm kiếm cứu nạn trên biển và Giới thiệu Công ước quốc tế SAR 79 và một số quy định luật pháp quốc tế và Việt Nam về tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng xử lý sự cố trên biển cho ngư dân
Tại chương trình, hàng trăm ngư dân, chủ tàu thuyền đã được Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam tuyên truyền nâng cao nhận thức trong thực hiện quy định Luật pháp Việt Nam về bảo đảm an toàn, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Ông Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm TKCN hàng hải Việt Nam khu vực 3 - Vũng Tàu hướng dẫn ngư dân cách mặc áo phao đúng cách.
Ông Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm TKCN hàng hải Việt Nam khu vực 3 - Vũng Tàu cho biết, hiện nay Việt Nam có 19 tuyến bờ ra đảo được công bố, trong đó Kiên Giang có 12 tuyến bờ ra đảo, chiếm số lượng lớn. Tại đây, các tàu khách có hành trình liên tục đi lại giữa các đảo, nên các sự cố trên biển gia tăng đặc thù hơn so với các tỉnh ven biển khác.
Đồng thời, hiện nay còn phần lớn chủ tàu không chấp hành quy định về an toàn trên tàu, không tổ chức cảnh giới. “Chúng ta đang có phương thức lúc đánh cùng đánh, ngủ cùng ngủ, không phân ca kíp trực, ngay cả khi neo đậu. Một số địa phương đánh bắt theo tập quán như lập giàn phơi ngay trên tàu, khi sóng to sẽ mất an toàn. Bà con đi đánh bắt theo mối quan hệ cha truyền con nối nhưng học về pháp luật, hiểu biết về các đèn tín hiệu, kỹ năng xử lý các tình huống sự cố xảy ra chưa đúng, chưa đủ nên có những tai nạn đáng tiếc xảy ra", ông Phi nói.
Buổi tuyên truyền đã giúp ngư dân có thêm những kiến thức khi đi biển.
Tại buổi tuyên truyền, ông Phi cũng đã cung cấp cho bà con ngư dân những kiến thức cần thiết về tình huống nguy cấp, những xử trí khi không có may gặp phải sự cố trên biển, các kỹ năng mặc áo phao, sơ cứu cũng như việc sử dụng các phương tiện liên lạc hiệu quả nhất khi đánh bắt xa bờ... Các ngư dân cũng được Trung tâm tặng các trang thiết bị bảo hộ để mưu sinh trên biển an toàn.
Các ngư dân nhận quà từ Ban tổ chức.
Ông Nguyễn Quốc Thụy, Trưởng phòng Phối hợp cứu nạn, Trung tâm MRCC tặng áo phao và phao bơi cho các ngư dân.
Chung tay giảm rác thải nhựa
Theo ông Nguyễn Minh Đức, đại diện tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại huyện đảo Phú Quốc cho biết, thế giới đưa ra dự đoán, đến năm 2025, các ngư dân khi đánh bắt trên biển, cứ ba kg cá thu được thì sẽ có một kg rác. Tình trạng rác thải nhựa sẽ còn kinh khủng hơn khi vào năm 2050, một kg cá thu ngư dân đánh bắt được sẽ kèm theo một kg rác.
Vì thế, ông Đức cho biết, thời gian tới, UBND huyện Phú Quốc sẽ thắt chặt giám sát, xử phạt hành chính phát hiện người ném rác xuống biển. Huyện sẽ hỗ trợ ngư dân các thùng rác để đem rác từ biển về.
Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại huyện đảo Phú Quốc kêu gọi ngư dân cùng chung tay giảm rác thải nhựa.
"Tiến tới, chúng ta sẽ thành lập đoàn tàu đánh cá góp phần giảm rác trên biển và chương trình đổi rác lấy quà. Huyện sẽ làm hết sức để có thể hỗ trợ bà con nhân dân thu rác về, vì thế chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp của bà con nhân dân”, đại diện WWF nói.
Cũng theo ông Đức, trong bốn năm nữa - đến năm 2025, huyện đảo Phú Quốc đặt cam kết sẽ giảm 50% rác nhựa thất thoát ra biển, 80% khu bảo tồn biển Phú Quốc không còn rác nhựa.