Nâng cao năng lực các tổ chức khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật
Toàn tỉnh hiện có 42 tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó có 9 tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ, 28 tổ chức dịch vụ KH&CN và 5 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của các tổ chức KH&CN, thời gian qua, ngành KH&CN, chính quyền các cấp đã có những điều chỉnh, sắp xếp nhằm kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức này, như: Thực hiện chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ; củng cố hoạt động của các tổ chức KH&CN chuyên ngành, các trường đại học, cao đẳng; đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn...
Kiểm định công tơ điện tại Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thanh Hóa.
Nếu như những năm đầu đi vào hoạt động (2010), phạm vi, lĩnh vực kiểm nghiệm, đo lường và thử nghiệm của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thanh Hóa còn nhỏ hẹp thì hiện nay, năng lực thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn của trung tâm ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực với các phòng chức năng, trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, từ năm 2015, khi triển khai thực hiện Dự án “Đầu tư nâng cao năng lực kiểm định, kiểm nghiệm của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thanh Hóa”, năng lực kiểm định, thử nghiệm và các hoạt động giám định của trung tâm được nâng lên đáng kể. Từ việc thực hiện dự án, trung tâm đã được đầu tư và tiếp nhận hàng chục thiết bị phục vụ kiểm định, kiểm nghiệm, hiệu chuẩn, giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa... trong đó có nhiều thiết bị lần đầu tiên đưa vào hoạt động tại trung tâm cũng như trên địa bàn tỉnh, như: Thiết bị kiểm định taximet; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo điện tim, điện não; thiết bị đo nhanh tuổi vàng... Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với Trung tâm đào tạo, Viện Đo lường Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm; gửi nhân viên trong từng lĩnh vực đi đào tạo sử dụng thiết bị, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tại các hãng sản xuất và các phòng thí nghiệm trong nước đang sử dụng các thiết bị được đầu tư... Qua đó, góp phần phục vụ tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và nhu cầu bảo đảm chất lượng sản phẩm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trong tỉnh; yêu cầu kiểm định phương tiện đo thuộc danh mục bắt buộc phải kiểm định. Theo thống kê, mỗi năm trung tâm thực hiện kiểm nghiệm, kiểm định hàng chục nghìn phương tiện đo, mẫu chất lượng các loại. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã kiểm định hơn 6.120 phương tiện đo; kiểm nghiệm 1.569 mẫu chất lượng...
Không chỉ với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thanh Hóa, để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức KH&CN, việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong 5 năm gần đây, ngân sách Nhà nước, bao gồm cả Trung ương và địa phương đã cấp trên 300 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị cho tổ chức KH&CN công lập, trong đó đầu tư cho trung tâm nghiên cứu khoảng 250 tỷ đồng. Đến nay, ngoài các phòng thí nghiệm, thử nghiệm công lập thuộc các sở và các trường đại học, cao đẳng, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 20 phòng thí nghiệm, thử nghiệm chuyên ngành thuộc các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ thí nghiệm như, phòng thí nghiệm của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông... Một ví dụ điển hình, sau nhiều năm đi vào hoạt động, đầu tư cơ sở hạ tầng và thành lập trung tâm phát triển KH&CN với nhiều trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, tay nghề cao, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã nghiên cứu và sản xuất thành công phân bón NPK-Si có hàm lượng Si dễ tiêu cho cây lúa, góp phần tăng năng suất từ 8 đến 15%, giúp tiết kiệm cho người dân từ 6 đến 25% lượng phân bón mỗi vụ. Từ thành công với cây lúa, công ty đã nghiên cứu và phát triển mở rộng phạm vi ứng dụng ra các cây trồng khác như mía, cà phê, cao su, cói... và đạt nhiều kết quả.
Thực tế cho thấy, với sự quan tâm đầu tư của ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, năng lực hoạt động của các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, việc đầu tư xây dựng các tổ chức hoạt động KH&CN, phát huy tiềm lực KH&CN vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Cơ sở vật chất kỹ thuật của một số tổ chức KH&CN còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ. Tiềm năng hoạt động KH&CN của các trường đại học, cao đẳng tương đối dồi dào, nhất là về nhân lực KH&CN song chưa được khai thác triệt để... Điều này đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, ngành KH&CN nói riêng cần tăng cường hơn nữa sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức KH&CN, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, đổi mới công nghệ - thiết bị, thành lập doanh nghiệp KH&CN; không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tiếp thu, làm chủ, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ sản xuất và đời sống, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội không ngừng phát triển.