Nâng cao năng lực cạnh tranh, tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững
Chiều 23/3, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn 'Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững'. Diễn đàn nhằm góp phần phản ánh bức tranh về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
Tái định vị doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, việc tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững xuất phát từ câu chuyện khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều, trong bối cảnh hậu Covid-19 và biến động chung của thế giới diễn ra.
“Trên thực tế, biến động của kinh tế thế giới tiếp tục tác động, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái định vị để thích ứng và tăng trưởng ổn định, bền vững. Đây không phải là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc…”, ông Công nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch VCCI, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Từ các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 nền kinh tế đã xuất hiện những dấu hiệu đáng quan ngại. Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suy giảm rõ rệt. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm giảm nhu cầu ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Dù bối cảnh có nhiều “gam màu xám” nhưng cũng có những cơ hội. Nếu doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, hòa nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực đầu tư mới. Vì vậy, đây là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra đột phá, nền tảng để “bứt tốc” trong tương lai.
Chủ tịch VCCI cho biết, từ Đại hội XIII của Đảng, một giai đoạn mới bắt đầu, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao, vì thế yêu cầu đặt ra khác hẳn, vị thế trong giai đoạn mới cũng cao hơn nhiều.
“Trong vòng chưa đầy 25 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại. Khi ấy cộng đồng doanh nghiệp cũng phải văn minh hiện đại. Lúc này doanh nghiệp phát triển không phải chỉ để kiếm lợi nhuận mang về cho bản thân, mà cần phải phát triển bền vững, quan tâm đến các yếu tố xã hội, môi trường, quản trị doanh nghiệp, quan tâm đến đạo đức, văn hóa kinh doanh”, ông Công chỉ rõ.
"Mục tiêu đến 2025 chúng ta có 1,5 triệu doanh nghiệp thực sự quá thách thức. Hiện đã sắp hết quý 1/2023 nhưng đồ thị số lượng doanh nghiệp lại đi xuống, chưa chạm đến con số 1 triệu. Chỉ còn năm 2024, 2025 thì mỗi năm chúng ta cần bao nhiêu doanh nghiệp để đạt con số 1,5 triệu vào 2025? Đây là bài toán vô cùng khó cho các nhà quản lý, cho chính phủ và chính quyền các cấp", theo ông Công.
Chính vì vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ khác đi, định vị lại doanh nghiệp của mình. Định vị bắt đầu từ tầm nhìn, mục tiêu phát triển, vị thế của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp…
Định vị không chỉ là bài toán cho chính doanh nghiệp mà cho cả các cơ quan nghiên cứu, quản lý. Việt Nam cần xác định các thách thức, cơ hội để bàn các giải pháp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, để những thành tựu đạt được trong hơn 35 năm đổi mới tiếp tục được phát huy, trở thành quốc gia phát triển nhanh, xanh, bền vững.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Long- Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp cho rằng, để tái định vị, cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khỏe thực tế của doanh nghiệp. Ông Long cho hay, tái định vị và phát triển bền vững không phải vấn đề riêng mà còn là sự phối hợp tích cực giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.
Bắt bệnh cho doanh nghiệp
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, nền kinh tế đã cho thấy những tín hiệu hết sức khó khăn ngay từ quý IV/2022, khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhiều ngành hàng suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhiều công ty bắt đầu sa thải lao động.
Đặc biệt, trong bối cảnh mới, với sự rung lắc của rất nhiều thị trường toàn cầu, thách thức đặt ra từ Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu... khiến cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng suy giảm. Năm 2022, dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng nhưng vốn đăng ký giảm. Điều này cho thấy thách thức đã chuyển từ trạng thái nguy cơ sang hiện hữu.
Ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ, hiện nay những cải cách hỗ trợ chưa thực sự mạnh dạn, rất nhiều quy định vẫn dựa vào định tính, trao quyền cho công chức thực thi, chưa có cách thức quản lý, chỉ tập trung ở một khu vực có vi phạm.
"Thực tế, doanh nghiệp càng kinh doanh nhiều, càng 'ăn nên làm ra' thì chi phí thực hiện thủ tục hành chính càng nhiều, càng đón nhận nhiều thanh, kiểm tra. Điều đó không tạo ra động lực. Trong khi, theo quy luật kinh tế, doanh nghiệp nào càng lớn thì nhân lực càng chuyên nghiệp, chi phí thủ tục hành chính phải càng thấp", ông Tuấn nói.
Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế tư nhân trong nước, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh một số giải pháp:
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính mọi ngành, mọi cấp. Giải pháp này sẽ hỗ trợ được rất nhiều doanh nghiệp giảm chi phí, công bằng và hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững hơn.
Thứ hai, áp dụng công nghệ thông tin một cách thực chất.
Thứ ba, cần phải tăng tính ổn định, dự đoán của chính sách pháp luật.
Thứ tư, cần phải phát huy vai trò của thị trường trong đó có một số ngành như thị trường xăng dầu.
Cuối cùng, xây dựng giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, bảo hộ một cách hợp lý, hợp pháp nhưng thị trường trong nước cũng cần chính sách khôn ngoan.
Ông Nguyễn Hồng Long đề xuất, để tái định vị doanh nghiệp, cần phải dự báo, phân tích tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khỏe thực tế của doanh nghiệp. Ông Long cho rằng đến nay vẫn chưa có báo cáo đầy đủ, đánh giá cụ thể và tổng thể về những khó khăn, thách thức của tất cả các ngành, các lĩnh vực.
"Chúng ta cứ kêu khó, chủ yếu kêu nới mức cho vay, cho miễn, giãn, hoãn thuế, kéo dài thời gian nợ… Trong khi chúng ta có luật tổ chức tín dụng, luật thuế… không phải muốn là làm được ngay”, ông Long nêu thực tế, đồng thời cho rằng để “bốc thuốc” cần biết được nguyên do, vị trí bệnh thế nào thì mới chữa được.
Theo đó, để phát triển, Chính phủ đề ra 3 động lực chính: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, đầu tư để đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập là những yếu tố để phát triển bền vững.
Có một số ý kiến cho rằng trong giai đoạn khó khăn không nên đề cập đến việc đầu tư chuyển đổi số, kinh tế xanh. Tuy nhiên, theo ông, nếu không nhìn trước, hành động sớm thì khi kinh tế thế giới phục hồi, doanh nghiệp không có hành trang để hội nhập và phát triển. Doanh nghiệp phải đi trước, phải làm trước.
Ông Long nhấn mạnh, “cứu” doanh nghiệp không ai bằng chính doanh nghiệp. Chính phủ tạo ra cơ chế cho doanh nghiệp phát triển. Một trong những cầu nối quan trọng là VCCI, nơi tổng hợp tất cả các ý kiến, phân tích, đánh giá và trình Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.