Nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở và cộng đồng

Thực hiện Tiểu dự án 4, Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp các địa phương triển khai các lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở nhằm tăng cường hiệu quả của chương trình trong thời gian tới.

Ông Đoàn Văn Thái (phải), Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 1, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân hướng dẫn người dân thụ hưởng Dự án 1, Chương trình 1719. Ảnh: NGÔ XUÂN

Ông Đoàn Văn Thái (phải), Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 1, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân hướng dẫn người dân thụ hưởng Dự án 1, Chương trình 1719. Ảnh: NGÔ XUÂN

Nhiều nội dung thiết thực

Theo Ban Dân tộc tỉnh, đối tượng được tham gia tập huấn gồm: nhóm cộng đồng (gồm ban giám sát cộng đồng xã, đại diện cộng đồng, người dân, các tổ duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng, người có uy tín…) và nhóm cán bộ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719) ở các cấp (gồm cán bộ thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở các cấp và cán bộcác tổ chức đoàn thể…).

Nội dung tập huấn được phân cấp rõ ràng và phù hợp theo từng nhóm đối tượng cụ thể. Trong quá trình học tập, thảo luận và thực hành, học viên được trang bị đầy đủ kiến thức nghiệp vụ, quy trình quản lý và điều hành các công trình cơ sở hạ tầng cũng như các chương trình, dự án phát triển KT-XH cho vùng đồng bào DTTS.

Các lớp tập huấn cũng trang bị nhiều kỹ năng thiết yếu trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển cộng đồng; kỹ năng vận động, tuyên truyền cũng như tham gia giám sát, đánh giá các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Điều này cũng giúp học viên hiểu rõ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý trong thực hiện các dự án thuộc Chương trình 1719.

Anh Nguyễn Xuân Triều, cán bộxã Suối Trai, huyện Sơn Hòa nói: Tôi được tham gia lớp tập huấn về kỹ năng phát triển cộng đồng bền vững và các phương pháp phát triển cộng đồng có sự tham gia của người dân trong công tác xóa đói giảm nghèo; nhóm hộliên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Lớp học đã cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho cán bộcấp cơ sở để triển khai dự án, từ hướng dẫn các bước thực hiện cho đến công tác giải ngân. Việc hướng dẫn, tư vấn trực tiếp đã giúp chúng tôi tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nhất là các trình tự, thủ tục giải ngân nguồn vốn.

Tạo thuận lợi trong thời gian tới

Ông Ra Lan Thu, Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa cho biết: Tôi được tham gia lớp tập huấn với các chuyên đề cho nhóm cán bộvề nghiệp vụ vận hành và bảo trì các công trình cơ sở hạ tầng và khai thác các công trình đưa vào sử dụng; nghiệp vụ quản lý tài chính và thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình, vốn sự nghiệp.

Các nội dung tập huấn đều rất cần thiết, sát thực tế, nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ cơ sở; đặc biệt là việc hướng dẫn thanh quyết toán các nguồn vốn của Chương trình 1719. Thực tế, việc triển khai chương trình này ở các cấp trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn do một số văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng; việc triển khai thực hiện mỗi nơi mỗi khác. Do vậy, lớp tập huấn nhằm hướng dẫn cụ thể các thủ tục theo từng biểu mẫu, quy trình để giúp cán bộ cơ sở làm việc nhanh, hiệu quả hơn.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong gần 1 tháng, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức 9 lớp đào tạo cho cộng đồng, 7 lớp cho cán bộ các cấp với gần 800 lượt học viên tham gia. Các lớp đào tạo, tập huấn nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp về quy trình triển khai dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719; đặc biệt là đối với các đối tượng học viên là cán bộchủ chốt của xã, thôn, buôn, người có uy tín trong cộng đồng.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Thông qua việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với giảng viên, học viên có cái nhìn sâu sắc hơn về công tác dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng vào các hoạt động phát triển KT-XH tại địa phương. Đặc biệt, khi cán bộ thực hiện chương trình ở các cấp đủ năng lực, kinh nghiệm thì việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Đây sẽ là tiền đề để việc thực hiện Chương trình 1719 ngày càng hiệu quả, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống trong vùng đồng bào DTTS; qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Hoạt động này cũng nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Khi cán bộ thực hiện chương trình ở các cấp đủ năng lực, kinh nghiệm sẽ tạo tiền đề để việc thực hiện Chương trình 1719 ngày càng thuận lợi, hiệu quả; góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/323931/nang-cao-nang-luc-cho-can-bo-cap-co-so-va-cong-dong.html