Nâng cao năng lực cho nông dân và tổ chức nông dân
Chương trình Hợp tác trung hạn giữa Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và các tổ chức nông dân khu vực châu Á, Thái Bình Dương giai đoạn II (MTCP II) tại Lâm Đồng vừa được tổng kết nhằm đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời xây dựng các mô hình nông dân liên kết sản xuất - tiêu thụ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) của Liên Hiệp Quốc đã triển khai chương trình hợp tác trung hạn giữa IFAD với các tổ chức nông dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 1 (gọi tắt là MTCP I), với sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO khu vực từ 2009 - 2012 tại 10 quốc gia ở khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Quốc. Ở Việt Nam, Lâm Đồng là một trong 14 tỉnh, thành phố tham gia dự án. Giai đoạn 1, MTCP chú trọng tới tăng cường năng lực đối thoại giữa Tổ chức nông dân với các cơ quan hoạch định chính sách nhằm phản ánh những mối quan tâm, khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị liên quan đến chính sách nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở cấp quốc gia, tiểu khu vực và khu vực; đồng thời, tổ chức hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho Tổ chức nông dân các cấp. Dựa trên kết quả giai đoạn 1, mục đích tổng thể của MTCP II là thông qua việc tăng cường năng lực cho người nghèo ở nông thôn và tổ chức của họ, từ đó góp phần cải thiện sinh kế và có tác động tích cực về kinh tế - xã hội. Với mục tiêu tăng cường năng lực cho các tổ chức nông dân trong vận động chính sách cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nghèo, nông dân đồng bộ với các chương trình IFAD quốc gia và các chương trình phát triển nông nghiệp khác.
Với Lâm Đồng, MTCP II chú trọng tới nâng cao năng lực, kỹ năng xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, kinh tế HTX. Các khóa huấn luyện dành cho việc vận động thành lập, vận hành, marketing các hợp tác xã (HTX) để nông dân tiếp cận kiến thức về HTX kiểu mới. Đồng thời, nhiều liên minh sản xuất được vận động thành lập với sự tham dự của nông dân và cả doanh nghiệp. Như tại Lâm Hà, trên 100 nông dân đã hình thành hai tổ liên kết sản xuất với một số công ty trên địa bàn thị trấn Nam Ban, cùng sản xuất cà phê theo chuẩn UTZ Certified. Sản phẩm cà phê nhân được công ty bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường đồng thời công ty có nhiều hỗ trợ về kỹ thuật cũng như thông tin về nhu cầu của thị trường. Hiện từ cơ sở hai tổ hợp tác, một HTX cà phê đã được thành lập với mục tiêu sản xuất và sơ chế cà phê chất lượng cao, cung cấp cho nhà thu mua với giá cao hơn hẳn giá thị trường.
Đánh giá về hoạt động của chương trình MTCP II Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Tường Vi cho biết, thành công lớn nhất là đã thay đổi quan điểm của một bộ phận nông dân về kinh tế tập thể. Nhiều nông dân đã ý thức được vai trò của kinh tế tập thể và chủ động thành lập các tổ hợp tác, HTX để tăng cường sức mạnh nông dân. Đồng thời, thông qua các chuyến học tập tiếp xúc với những mô hình kinh tế, học tập về chuỗi ngành hàng, tổ chức nông dân đã có thể chủ động xây dựng được kế hoạch sản xuất kinh doanh, tham dự vào chuỗi giá trị từ nhà sản xuất - thu mua - vận chuyển - chế biến - tiêu dùng. Như ông Trần Văn Xuất, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Ban, HTX chuyên cà phê cho biết, việc thay đổi tư duy của người nông dân là quá trình rất lâu dài và đòi hỏi sự cố gắng rất lớn, từ cả chính quyền, nông dân và những người làm công tác Hội Nông dân.
Chương trình MTCP II Lâm Đồng giai đoạn 2015-2019 đã kết thúc với cả thành công và những trăn trở, băn khoăn. Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) của Liên hiệp quốc đang xúc tiến tổ chức giai đoạn 3 và Lâm Đồng chờ đợi tiếp tục thực hiện tiếp dự án, với mục tiêu đồng hành với người nông dân hướng tới những chuỗi liên kết sản xuất bền vững.