Nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa
Ngày 4/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo 'Nâng cao năng lực công nghệ và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa thông qua các Chương trình KH&CN quốc gia'.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, những năm vừa qua, việc thực hiện các Chương trình KH&CN quốc gia của Bộ KH&CN đã thu được những kết quả đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, nhờ đó năng lực công nghệ của các doanh nghiệp trong nước đã được nâng lên đáng kể.
Nhiều doanh nghiệp đã có thể làm chủ công nghệ thiết kế, sản xuất các thiết bị siêu trường, siêu trọng, động cơ phụ tùng ô tô, sản xuất robot, sản xuất thiết bị phụ trợ cho các hãng cơ khí, điện tử hàng đầu thế giới như: LG, Samsung… cũng như hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên hoàn thiện và thương mại hóa các sáng chế của mình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và toàn xã hội.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay: “Bộ KH&CN đang xem xét, đánh giá, tổng kết lại các chương trình KH&CN và rất mong qua các đợt tổng kết lần này chúng ta có thể tái cơ cấu lại các chương trình KH&CN. Bộ cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng xây dựng và trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung của các chương trình KH&CN trong giai đoạn 2021-2030. Việc trình phê duyệt sớm giúp tránh được sự gián đoạn thực hiện các chương trình, nối liền mạch việc hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ, hướng tới đạt hiệu quả cao”.
Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, với việc phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lĩnh vực cơ khí - tự động hóa có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển đất nước. Đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án KH&CN quan trọng liên quan đến các doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa đã được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực như: Dự án “Nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất cáp điện” của Công ty TNHH Công nghiệp Quang Nam đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Hàn Quốc và châu Âu; Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot phục vụ đào tạo” do Công ty TNHH Robot Việt Nam chủ trì đã giúp công ty chế tạo thành công robot tay máy 5 bậc tự do phục vụ đào tạo, sản phẩm có chất lượng tương đương với sản phẩm nước ngoài nhưng giá thành giảm tới 60%…
Theo PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, công nghệ thiết kế và chế tạo phát triển rất mạnh mẽ trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa với chất lượng cao, năng suất lao động vượt trội, làm mất các lợi thế về nhân công giá rẻ của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nó cũng thu hẹp khoảng cách các doanh nghiệp tại các nước phát triển và các nước đang phát triển. Nếu biết nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp có thể đầu tư, lựa chọn, trang bị được công nghệ thiết kế, chế tạo hợp lý để thành một doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao.
TS Nguyễn Sỹ Đăng, Phó Giám đốc Văn phòng Các chương trình KH&CN quốc gia cho hay, hầu hết sản phẩm từ các dự án, các doanh nghiệp tham gia các chương trình KH&CN đều được thương mại hóa thành công, thậm chí được nhiều đối tác nước ngoài chấp thuận, ký kết hợp tác. TS Nguyễn Sỹ Đăng nhấn mạnh: Phát triển KH&CN là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. KH&CN đóng vai trò chủ đạo để tạo bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.