Nâng cao năng lực của phụ nữ trong bảo vệ môi trường sống - ghi nhận từ một dự án
Những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh có nhiều hoạt động tích cực, xây dựng mô hình hiệu quả chung tay cùng cộng đồng, xã hội bảo vệ môi trường (BVMT). Từ tháng 11/2021 - 10/2022, dự án 'Nâng cao năng lực của phụ nữ trong BVMT sống' được Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) tài trợ, triển khai tại 12 xóm của 4 xã: Vạn Mai, Mai Hạ (Mai Châu) và Thanh Hối, Nhân Mỹ (Tân Lạc) đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra.
Hội LHPN xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) ra mắt mô hình "Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật" tại xóm Chiềng.
Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Với 6 nhóm hoạt động chính, dự án thực hiện mục tiêu: Nâng cao nhận thức cho phụ nữ, cộng đồng trong BVMT sống, từ đó dần thay đổi hành vi ứng xử với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng; tăng cường phối hợp đa ngành trong truyền thông, tư vấn pháp luật và tư pháp; tài liệu hóa các bài học kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong trong vấn đề BVMT; phát triển hệ sinh thái tự nhiên thông qua trồng cây xanh; tái chế rác thải giúp giảm thải rác ra môi trường và phát triển kinh tế.
12 xóm tham gia dự án không phải thành thị, nơi tập trung đông người mà là những khu vực nông thôn vốn có không khí trong lành nhưng cũng có những lo ngại về rác thải sinh hoạt, ô nhiễm không khí, tiếng ồn do giao thông, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, nguồn nước… Ở một số xóm chưa có tổ thu gom rác. Những xóm có thì chỉ 40% số hộ thu gom rác qua tổ. Qua khảo sát của dự án, cách nhìn nhận, đánh giá của lãnh đạo cơ sở về thực trạng BVMT ở mỗi địa phương khác nhau, hiểu biết về Luật BVMT của người dân còn nhiều hạn chế…
Chính vì vậy, dự án đã thực hiện nâng cao năng lực truyền thông và trợ giúp pháp lý cho cán bộ cơ sở; thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng về tình trạng ô nhiễm môi trường; tư vấn pháp luật; vận động xử lý rác, trồng cây xanh và tổ chức cuộc thi khởi nghiệp từ rác... Sau 1 năm thực hiện dự án, số người được tiếp cận Luật BVMT, có kiến thức về môi trường và Luật BVMT cùng với những kỹ năng liên quan đạt trên 2.000 người (trong đó có 75% nữ); 94% người dân tộc có kiến thức, kỹ năng tương ứng về BVMT; trên 1.600 người tham gia hoạt động truyền thông sân khấu hóa tại 4 xã dự án. Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ có tác dụng thiết thực thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng như: trồng cây có hoa, tặng làn cói đi chợ, làm mẫu hố rác xử lý chất thải hữu cơ, thùng rác gia đình và thùng rác nơi công cộng. Trong 1 năm thực hiện dự án đã phát 8.000 tờ hướng dẫn thực hiện mô hình "Mỗi rác thải là một cây xanh”; tặng 1.020 túi vải với thông điệp "Lan tỏa hành động đẹp để môi trường xanh, sạch hơn”; trồng 2.000 cây xanh có hoa; tặng 200 làn cói đi chợ; xây 80 hố rác thải xử lý rác hữu cơ, 90 thùng rác cho 20 mô hình và các nhà văn hóa…
Chị Bùi Thị Thanh, chi hội phụ nữ xóm Chiềng, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) cho biết: Trước khi tham gia dự án, xóm Chiềng chưa có đội thu gom rác thải thường xuyên. Việc thu gom rác và xử lý người dân thường tự làm, thực trạng rác vứt ra đường làng, ngõ xóm, bờ mương, lòng suối còn phổ biến… Sau khi tham gia dự án, tôi và đội ngũ cán bộ xóm được tham gia các chương trình tập huấn; tham mưu, phối hợp cùng lãnh đạo, các ban, ngành xóm thông qua các cuộc họp, lồng ghép tuyên truyền đến bà con ý thức BVMT; các thành viên tham gia mô hình được dự án hỗ trợ xây dựng 7 lò đốt rác… Đến nay, ý thức BVMT của người dân nâng lên rõ rệt. Hầu hết các gia đình biết cách và thực hành phân loại rác thải tại nguồn, để "biến rác thải thành cây xanh”. Ngoài 7 lò đốt rác của dự án hỗ trợ, xóm đã nhân rộng thêm 6 lò mới. Chi hội phụ nữ thực hiện mô hình "Hố rác ngoài đồng” nhằm thu gom bao bì thưốc BVTV đúng nơi quy định…
Đồng chí Hoàng Thị Duyên chia sẻ thêm: Từ quá trình khảo sát và kết quả sau 1 năm triển khai dự án đã thể hiện rõ việc tạo quyền cho phụ nữ ở nhiều khía cạnh. Hiện tại, nhiều kết quả và sản phẩm của dự án được duy trì lâu dài ở cộng đồng và có thể áp dụng diện rộng. Đội ngũ cán bộ nòng cốt của Hội LHPN và các đoàn thể cũng như lãnh đạo cơ sở có thể sử dụng hiểu biết của mình về Luật BVMT, trợ giúp pháp lý hay về thu gom, quản lý rác để truyền thông về các nội dung này. Các tổ, nhóm do phụ nữ làm chủ làm dịch vụ thu gom rác, cây trồng ở vườn, rừng sẽ có tác động lâu dài về làm sạch không khí, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng đất, chống xói mòn. Những bài học từ dự án, các chương trình đào tạo, tập huấn, tài liệu truyền thông của dự án có thể được dùng để áp dụng mở rộng sang các địa phương khác…