Nâng cao năng lực đề xuất sáng kiến nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn APEC tới năm 2040
Ngày 14/1, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Công Thương và Ban Thư ký APEC tổ chức Hội thảo 'Nâng cao năng lực đề xuất sáng kiến nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn APEC tới năm 2040' tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Giám đốc bộ phận quản lý dự án APEC, lãnh đạo Nhóm chính sách tổ chức Năm APEC 2021 của New Zealand, đại diện Trung tâm nghiên cứu APEC Australia, đại diện một số thành viên APEC và đại diện các Bộ, Ban ngành Việt Nam tham gia hợp tác APEC.
Đây là sáng kiến do Bộ Ngoại giao đề xuất nhằm trao đổi về những ý tưởng và sáng kiến cần thúc đẩy để đóng góp triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 vừa được các Nhà lãnh đạo APEC thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 27 diễn ra tháng 11/2020 vừa qua.
Chia sẻ tại Hội thảo, Tiến sỹ Rebecca Fatima Sta Maria, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC, đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo và nhấn mạnh hiện nay chính là thời điểm APEC cần xây dựng những sáng kiến hợp tác dài hạn và trong những lĩnh vực mới.
Bà nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực đề xuất sáng kiến tại APEC. Trong bối cảnh APEC bước vào giai đoạn phát triển mới, bà đề nghị Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất các ý tưởng và dự án chiến lược, thiết thực hơn nữa, đóng góp vào triển khai các định hướng hợp tác của APEC trong hai thập kỷ tới.
Bà Phạm Quỳnh Mai, Trưởng Quan chức Cao cấp (SOM) APEC Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương đề nghị các sáng kiến, dự án nên tập trung và gắn liền với các trụ cột hợp tác của Tuyên bố Tầm nhìn APEC 2040, bao gồm: Tự do hóa thương mại và đầu tư; (Đổi mới, sáng tạo và số hóa; và Tăng trưởng bao trùm, bền vững, an toàn, cân bằng và mạnh mẽ.
Qua hai phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi về những sáng kiến hợp tác nhằm tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, phát triển kinh tế số, tăng trưởng bền vững và bao trùm… qua đó tiếp tục phát huy vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về cách thức xây dựng, quy trình và những yêu cầu cụ thể đối với xây dựng và triển khai các dự án hợp tác kinh tế kỹ thuật trong APEC trong tình hình mới.
Giám đốc bộ phận quản lý dự án, Ban Thư ký APEC nhấn mạnh, hằng năm APEC dành khoảng 12 triệu USD để triển khai các sáng kiến mới cũng như các hoạt động hợp tác kinh tế, kỹ thuật, xây dựng năng lực, hỗ trợ các thành viên trong nâng cao năng lực triển khai các cam kết hợp tác APEC.
Hội thảo được đánh giá rất thiết thực, giúp các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam nắm bắt kịp thời những trọng tâm hợp tác mới của APEC trong Tầm nhìn đến năm 2040, đồng thời cung cấp thông tin cập nhật cho các Bộ, ngành về quy trình, thủ tục và cách thức thúc đẩy các sáng kiến và dự án trong APEC.
Mục tiêu và kết quả của Hội thảo thể hiện quyết tâm và nỗ lực tiếp tục tham gia, đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam trong APEC, khẳng định sự chú trọng trong nâng cao nhận thức và năng lực của các cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Phát biểu Bế mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển chiến lược mới, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, APEC và các cơ chế hợp tác tại châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là một trong những trọng điểm trong triển khai chủ trương đối ngoại của Việt Nam.
Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, tích cực hơn nữa trong thúc đẩy các sáng kiến trong APEC nhằm đóng góp vào quá trình hiện thực hóa Tầm nhìn APEC về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, bao trùm, kết nối và thịnh vượng.