Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức
Tăng cường năng lực cho đội ngũ CB-CC góp phần phát triển TP HCM xứng đáng là đô thị phát triển bậc nhất của cả nước; phấn đấu ngang tầm các đô thị lớn của khu vực và thế giới
Những thành quả về thực hiện nhiệm vụ chính trị, các cơ chế, chính sách mới của trung ương cho TP HCM đạt được trong thời gian qua không thể tách rời sự nỗ lực, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, công chức (CB-CC) thành phố.
Có năng lực sáng tạo trong thực thi công vụ
Thông qua hoạt động thực tiễn và những nghiên cứu mang tính sáng tạo, năng động, TP HCM đã mạnh dạn đề xuất với trung ương nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá, cởi trói, tạo điều kiện cho thành phố và các tỉnh, thành khác tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc; góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Do xuất phát từ một thành phố có nhiều tính đặc thù, năng động và không ngừng chuyển động, đội ngũ CB-CC TP HCM được trải nghiệm qua nhiều thử thách, khó khăn và thành công, hiệu quả. Đây là thước đo đánh giá năng lực sáng tạo trong thực thi công vụ; đồng thời, qua đó thể hiện được niềm tin của lãnh đạo TP HCM đối với đội ngũ này.
Cụ thể trong quá trình đổi mới, đội ngũ CB-CC TP HCM đã có nhiều đóng góp vào sự thành công chung thông qua việc thực hiện thí điểm các mô hình mới như tổ chức thực hiện thành công mô hình Khu Chế xuất Tân Thuận, từ đó nhân rộng ra nhiều khu chế xuất; mở đường cho việc thành lập khu chế xuất ở nhiều địa phương trong nước. Qua đó, góp phần bổ sung các định chế mới cho các đạo luật về đầu tư, doanh nghiệp...
Các mô hình khác: thành lập Trung tâm Chứng khoán TP HCM (năm 1993), xây dựng thị trường vốn đến việc đề xuất Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM (năm 2000). Đây là mô hình giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam.
Hay đề xuất chuyển đổi mô hình Hội chợ Triển lãm Quang Trung thành Khu Công viên Phần mềm Quang Trung. Đây không chỉ là nơi tập trung, phát huy nguồn lực công nghệ phần mềm của TP HCM mà còn là khu công nghệ phần mềm tập trung đầu tiên của cả nước.
Về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết 26/2008/QH12 của Quốc hội, trong việc triển khai thực hiện nghị quyết này, TP HCM là một trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lựa chọn thí điểm với số đơn vị thí điểm lên đến 24 quận, huyện, 259 phường.
Về cải cách hành chính, cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính cũng bắt đầu từ quá trình nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo của đội ngũ CB-CC TP HCM. Mô hình này được Chính phủ chỉ đạo áp dụng chung cho các cơ quan hành chính nhà nước ở tất cả các cấp chính quyền địa phương trong cả nước.
Ngoài ra, lĩnh vực tư pháp với mô hình thừa phát lại là bước đi sáng tạo trong thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa thi hành án dân sự được xác định tại Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Kết quả thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 đã tạo nền tảng cơ bản cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố trong quá trình phát triển.
Những kết quả nêu trên xuất phát từ nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ CB-CC thành phố; thể hiện bản lĩnh của người CB-CC có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Bên cạnh đó là bản chất chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới sáng tạo; không chịu chùn bước trước những khó khăn, vướng mắc, trói buộc của cơ chế, chính sách cũ, không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, thử nghiệm, tìm hướng đi mới.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng
Trong giai đoạn hiện nay, với những yêu cầu cao hơn, thử thách lớn hơn đòi hỏi đội ngũ CB-CC thành phố phải có nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn để cùng với thành phố hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tin tưởng trao cho.
Cụ thể, TP HCM cần tiến hành rà soát, đánh giá để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể đối với từng vị trí công tác. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đối với các ngành, lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, quản lý nhà nước, quản lý đô thị, pháp luật quốc tế… Đặc biệt, TP HCM cần tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực của thành phố.
Thành phố tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và chính quyền cấp dưới thực hiện đối với một số lĩnh vực cho phép. Bên cạnh đó, theo dõi, kiểm tra, giám sát các cơ quan, địa phương chưa thực hiện tốt nhiệm vụ phân cấp để củng cố, uốn nắn và bồi dưỡng năng lực thực thi.
Việc phân công thực hiện nhiệm vụ phân cấp phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các nguồn lực cần thiết để bảo đảm đạt hiệu quả cao. Đối với các nội dung, nhiệm vụ phân cấp phức tạp, khó thực hiện cần thực hiện từng bước, thận trọng để rút kinh nghiệm. Quá trình thực hiện phân cấp đi đôi với tăng cường công tác kiểm soát và kịp thời điều chỉnh các nội dung, phương thức, thẩm quyền phân cấp cho phù hợp.
TP HCM cũng cần trang bị những kiến thức cần thiết cho đội ngũ CB-CC làm công tác hoạch định chính sách và tham mưu hoạch định chính sách để giúp thành phố ban hành những chính sách tốt, thực thi có hiệu quả; thúc đẩy quá trình phát triển của thành phố trên các lĩnh vực.
Thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị, TP HCM cần tiếp tục triển khai, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu về chủ trương khuyến khích và bảo vệ CB-CC năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; tạo động lực nâng cao ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, vì nhân dân phục vụ của đội ngũ CB-CC.