Nâng cao năng lực dự báo thị trường tiêu thụ nông sản

Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác dự báo thị trường nên ngành nông nghiệp tỉnh đã hạn chế được tình trạng 'được mùa mất giá', 'vỡ' hợp đồng liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm giữa các doanh nghiệp với HTX và nông dân. Cũng từ việc dự báo thị trường tốt, các HTX, người dân đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường và hạn chế rủi ro ở khâu đầu ra, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Năng, xã Trường Xuân (Thọ Xuân) ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp vào thu hoạch lúa vụ xuân 2024.

Trước đây, do thiếu thông tin sản xuất nông nghiệp nên khi nghe một sản phẩm như rau, ngô ngọt, khoai tây được giá là người dân xã Nga Yên (Nga Sơn) đồng loạt mở rộng diện tích cho dù không biết rõ nơi tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm ở đâu. Ông Mai Trung Thông, trưởng thôn Yên Lộc, cho biết: Gần 10 năm về trước, vấn đề “được mùa mất giá” diễn ra dai dẳng, thường xuyên tại địa phương. Nhiều sản phẩm như khoai tây, dưa hấu, rau màu vốn là sản phẩm thế mạnh của địa phương lại trở thành “gánh nợ” khi làm ra không có nơi tiêu thụ. Cùng với đó, đặc tính của nông sản là thời gian bảo quản ngắn nên khi không tiêu thụ được dẫn đến hư hỏng gây thiệt hại lớn về kinh tế. Rút bài học kinh nghiệm và được sự định hướng của các cấp chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp, từ năm 2016 trở lại đây, người dân đã sản xuất dựa trên các phân tích: mặt hàng đó có nhu cầu thị trường lớn không? có doanh nghiệp, đầu mối uy tín đứng ra thu mua, tiêu thụ sản phẩm không?... Nhờ đó, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp tăng lên rõ rệt, người dân có thể tự tin sản xuất và làm giàu trên đồng ruộng.

Đến thăm khu sản xuất rau, củ, quả an toàn của xã Nga Yên. Hơn 8ha đồng đất luôn được phủ khắp màu xanh của các loại cây trồng. Đang chăm sóc diện tích dưa vàng Kim Hoàng hậu tại khu nhà lưới, vợ chồng ông Phạm Văn Sáu cho biết: diện tích 7 sào đất màu trước đây gia đình trồng khoai tây, các loại rau, dưa theo mùa. Tuy nhiên, khi người dân trong vùng và các địa phương lân cận cùng đồng loạt sản xuất thì việc tiêu thụ khó, hiệu quả kinh tế thấp nên gia đình đã lựa chọn, đầu tư sản xuất những loại rau, quả cao cấp, trái vụ. Đây là những sản phẩm thị trường có nhu cầu lớn, dễ tiêu thụ, hiệu quả kinh tế cao hơn. Cũng nhờ những phân tích này, người dân xã Nga Yên đã đầu tư hơn 21.000m2 nhà lưới để sản xuất đa dạng các loại rau, củ, quả cao cấp, trái vụ, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân toàn xã đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

Vụ xuân 2024 được đánh giá là một trong những vụ sản xuất thắng lợi của HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Năng, xã Trường Xuân (Thọ Xuân). Trên cơ sở định hướng thời vụ và cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp, HTX đã đưa vào sản xuất một số loại giống lúa chất lượng cao như ST25, TBR225, Bắc Hương 9, Tân Ưu... Đây là những giống lúa có chất lượng gạo tốt, được thị trường ưa chuộng nên có nhiều doanh nghiệp, thương lái thu mua với khối lượng lớn. Do đó, HTX đã vận động người dân địa phương sản xuất đại trà, quy mô lớn những giống lúa được đánh giá là hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, ban quản trị HTX thường xuyên theo dõi thông tin, dự báo tình hình thời tiết, sâu bệnh của ngành nông nghiệp để đưa ra phương án chăm sóc, bảo vệ phù hợp nên năng suất lúa bình quân toàn xã dự ước đạt khoảng 71 tạ/ha, cao hơn 3 tạ/ha so với trung bình chung toàn tỉnh. Ông Ngô Đình Sự, giám đốc HTX cho biết: Không chỉ nghiên cứu, tìm hiểu thị trường về những giống lúa gạo có sức tiêu thụ tốt, HTX còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp để khi địa phương gặt đồng loạt, các đơn vị sẽ về thu mua lúa với giá thành ổn định. Ngoài ra, thông qua những dự báo, nghiên cứu thị trường của ngành nông nghiệp, HTX còn hướng dẫn người dân tập trung sản xuất trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, khuyến khích phát triển những sản phẩm nông sản có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, trên địa bàn xã Trường Xuân nhiều năm qua không xảy ra tình trạng được mùa, mất giá, bảo đảm thu nhập cho người nông dân.

Thực tế sản xuất cho thấy, để đưa ra dự báo thị trường sát với thực tế, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát, phân tích, đánh giá, dự báo về những yếu tố tác động, chi phối đến việc lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân sản xuất các sản phẩm phù hợp với số lượng hợp lý theo từng thời điểm cụ thể. Theo đó, các địa phương đã cơ cấu giống cây trồng, thực hiện các biện pháp luân canh, rải vụ để giảm áp lực tiêu thụ lên vụ sản xuất chính. Đồng thời, bảo đảm và nâng cao giá thành tiêu thụ các sản phẩm.

Hiện nay, để hỗ trợ cho công tác dự báo thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản”, với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản. Cùng với đó, hằng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức các lớp tập huấn phân tích và dự báo thông tin thị trường nông sản cho các HTX, hộ sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh. Thông qua các lớp tập huấn, cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia được trang bị những kiến thức cơ bản về thị trường, kỹ năng khai thác, tìm kiếm, tổng hợp, phân tích, đánh giá thị trường nông sản. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế để bảo đảm nguồn cung ổn định, cân đối cung cầu, giữ vững liên kết giúp người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh và có lợi nhuận.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nang-cao-nang-luc-du-bao-thi-truong-tieu-thu-nong-san-215565.htm