Nâng cao năng lực dự báo trong sản xuất nông nghiệp

Việc dự báo tốt sẽ giúp ngành nông nghiệp, các địa phương chủ động xây dựng phương án, giải pháp phát triển, định hướng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, hạn chế tối đa rủi ro cho bà con nông dân. Do đó, những năm gần đây, ngành nông nghiệp luôn chú trọng nâng cao năng lực dự báo trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng hoa phù hợp với nhu cầu thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao tại xã Yên Trường (Yên Định).

Dự báo trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được ngành nông nghiệp thực hiện trên nhiều phương diện, từ việc nhận định, dự báo về xu thế thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước, đến diễn biến các loại dịch hại, rồi thị trường tiêu thụ... Để đưa ra được những dự báo sát thực với điều kiện thực tế, các đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp đã khảo sát, phân tích, đánh giá các yếu tố tác động từ chủ quan đến khách quan, tác động trên các mặt cả về tích cực lẫn tiêu cực. Trên cơ sở đó, định hướng, khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân các giải pháp sản xuất phù hợp.

Năm 2022, trên cơ sở nhận định, phân tích, đánh giá xu thế phát triển, các yếu tố tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đến điều kiện sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra các dự báo đối với các yếu tố tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, như: tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước của năm 2022 được dự báo có lượng mưa xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, dòng chảy trên các sông, suối giảm dần ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 - 50%, có nơi trên 50%. Vùng cửa sông ven biển chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, xâm nhập mặn vùng cửa sông ven biển ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Qua đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng, khuyến cáo các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp nhằm chủ động, ứng phó trong quá trình sản xuất, như: bố trí lịch thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý, tiết kiệm. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn ngay từ đầu vụ.

Đối với vấn đề dự báo về thị trường tiêu thụ, ngay từ đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhận định việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là sản phẩm rau quả. Đồng thời, dự báo nhu cầu tiêu thụ và phục vụ chế biến nội địa có xu hướng tăng. Ngoài ra, sở còn phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: năng lực dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp nông nghiệp trong tỉnh khó khăn do thời hạn bảo quản, sử dụng của nông sản ngắn; hệ thống kho lạnh, công nghệ bảo quản còn yếu nên các doanh nghiệp không mua dự trữ nhiều. Theo đó, ngành nông nghiệp định hướng các huyện, thị xã, thành phố, khuyến cáo bà con nông dân gieo trồng các loại cây trồng phục vụ cho tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống, như: ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại. Mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định, ưu tiên các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa như: khoai tây chế biến, dưa chuột, bí xanh, bí ngô, hành tỏi, các loại hoa... Trong chăn nuôi, tăng cường tái đàn lợn, đàn gia cầm, đẩy mạnh việc xuất bán các sản phẩm vật nuôi cho tiêu thụ trong tỉnh và tỉnh ngoài.

Thực hiện tốt việc dự báo đã góp phần giúp sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả tích cực. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản quý I-2022 là 5.683 tỷ đồng, đạt 16% kế hoạch, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tổng giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản đạt 2.916,2 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Để tiếp tục nâng cao năng lực dự báo trong sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, khảo sát, theo dõi nhu cầu, sự biến động của thị trường trong và ngoài nước, cập nhật diễn biến tình hình dịch COVID-19, phân tích mức độ và phạm vi ảnh hưởng, từ đó đưa ra các dự báo sát thực về nhu cầu thị trường, làm cơ sở để chính quyền các địa phương chỉ đạo sản xuất phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an ninh lương thực. Tăng cường phối hợp đa chiều với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, cung cấp thông tin thị trường đối với nông sản. Thường xuyên soạn thảo, tuyên truyền về thị trường theo hướng bám sát tình hình thực tế, tăng cường tính dự báo, phân tích và định hướng sản xuất, tiêu dùng. Tư vấn, hướng dẫn người sản xuất kỹ năng phân tích, đánh giá thị trường, cung cấp các địa chỉ nguồn cung thông tin có chất lượng để người sản xuất, nhất là nông dân, tìm hiểu, tham khảo trước khi quyết định đầu tư. Hỗ trợ người dân đa dạng hóa thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dẫn đến bị thao túng gây ách tắc đầu ra.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nang-cao-nang-luc-du-bao-trong-san-xuat-nong-nghiep/157612.htm