Nâng cao năng lực dự báo và khả năng ứng phó với thiên tai

Ngày 4/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2021. Dự Hội nghị có đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tại điểm cầu tỉnh Sơn La, dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Hội nghị trực tuyến về công tác PCTT&TKCN tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Hội nghị trực tuyến về công tác PCTT&TKCN tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Điển hình một số đợt thiên tai như: mưa lớn trên phạm vi rộng, kéo dài tại khu vực miền Trung (từ Nghệ An đến Quãng Ngãi); lũ lớn xuất hiện liên tiếp 4 đợt, có 6 tuyến sông đã vượt mức nước lũ lịch sử, dẫn đến tình trạng ngập lụt sâu, kéo dài trên diện rộng và sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam... Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái...; tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỷ đồng. Công tác phòng, ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các cấp, ngành thực hiện kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, đã giảm thiểu thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2021, khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các hệ thống sông tiếp tục dự báo diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông, suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị...

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống thiên tai như: Tình trạng chia cắt, cô lập khi có tình huống thiên tai chưa được khắc phục, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiếp cận, chỉ huy, chỉ đạo ứng phó cũng như cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; năng lực theo dõi giám sát thiên tai, cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế; hệ thống công trình phòng, chống thiên tai chưa đáp ứng được yêu cầu... Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai trong năm 2021.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, chính xác; ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai; tăng cường trang thiết bị, bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các trọng điểm về đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng bản đồ phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ, từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ở các vùng nguy hiểm. Phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nang-cao-nang-luc-du-bao-va-kha-nang-ung-pho-voi-thien-tai-40200