Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
Tình hình an ninh, trật tự, nhất là tại địa bàn phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ diễn biến phức tạp. Từ đó, nhiều vấn đề như tệ nạn xã hội, hoạt động tội phạm hình sự và các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, hành chính,... phát sinh. Hàng năm, lượng án phải giải quyết của tỉnh Long An tăng về số lượng cũng như quy mô, tính chất và mức độ của từng vụ việc. Thực trạng này dẫn đến yêu cầu, trưng cầu giám định tư pháp (GĐTP) để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính trên địa bàn tỉnh là khá lớn.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả
Triển khai thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg, ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP” và Chỉ thị số 1958/CT- TTg, ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động GĐTP, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Trưởng ban thường trực, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Trên cơ sở kế hoạch triển khai thực hiện đề án, UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện đề án và Quy chế phối hợp quản lý về tổ chức và hoạt động GĐTP trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định trách nhiệm của từng sở, ngành, cơ chế phối hợp trong công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, chế độ thông tin, báo cáo những giải pháp thực hiện công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động GĐTP được hiệu quả.
UBND tỉnh phê duyệt 7 phương án kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động GĐTP, người GĐTP và điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác này của các sở, ngành. Nội dung các phương án tập trung việc củng cố, kiện toàn, đầu tư phát triển về cơ sở vật chất, giám định viên tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động GĐTP. Đến cuối năm 2015, đa số phương án của các sở, ngành được triển khai thực hiện theo đúng nội dung, thời gian được phê duyệt.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GĐTP, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và Công an tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động GĐTP. Triển khai thực hiện quy chế, công tác GĐTP lĩnh vực pháp y càng thuận lợi và hiệu quả.
Yêu cầu, trưng cầu giám định tư pháp khá lớn
Cùng với sự phát triển kinh tế, an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng phát triển công nghiệp diễn biến phức tạp làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, hoạt động tội phạm hình sự và các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, hành chính,... Hàng năm, lượng án phải giải quyết của tỉnh tăng về số lượng cũng như quy mô, tính chất và mức độ của từng vụ việc. Tình hình này dẫn đến yêu cầu, trưng cầu GĐTP để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính trên địa bàn tỉnh là khá lớn.
Từ năm 2013 đến 2018, tỉnh tiếp nhận và thực hiện giám định dao động từ hơn 1.300 đến gần 1.800 vụ việc/năm, đa phần liên quan đến pháp y, kỹ thuật hình sự và một ít là pháp y tâm thần, xây dựng, truyền thông, văn hóa. Các lĩnh vực ngân hàng, tài nguyên và môi trường, giao thông - vận tải, giai đoạn này không có vụ việc tiếp nhận và thực hiện giám định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức GĐTP công lập là Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh, Trung tâm Pháp y - Sở Y tế. Ngoài ra, có 7 tổ chức giám định theo vụ việc gồm: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ.
Số lượng giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực những năm qua tăng không đáng kể. Nếu năm 2013 có 76 giám định viên thì hiện nay là 84 giám định viên trong các lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự, thông tin - truyền thông, giao thông - vận tải, khoa học - công nghệ, văn hóa, tài chính kế toán, tài nguyên và môi trường, xây dựng, ngân hàng.
Định kỳ hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp chủ động phối hợp các cơ quan chuyên môn thống kê, rà soát đội ngũ giám định viên tư pháp, lập danh sách và tham mưu UBND tỉnh quyết định công bố danh sách tổ chức GĐTP công lập, tổ chức GĐTP theo vụ việc và người GĐTP theo quy định của Luật GĐTP.
Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp - Trần Văn Năm cho biết: “Ngoài nhân lực, thời gian qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động GĐTP của Trung tâm Pháp y, Phòng Kỹ thuật hình sự và các cơ sở được bảo đảm, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao”.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, công tác giám định trên địa bàn tỉnh thời gian qua được tiến hành khách quan, nội dung các kết luận giám định ghi đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với tài liệu, chứng cứ được thu thập trong vụ án. Các kết luận giám định được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, làm căn cứ để giải quyết các vụ việc nên các giám định viên tư pháp ít phải trực tiếp tham gia phiên tòa do tòa án yêu cầu. Theo Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh - Lưu Văn Uẩn, từ kết luận giám định được sử dụng làm cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng đúng theo quy định pháp luật, chứng minh được tội phạm, xác định chính xác thiệt hại về tài sản và các vấn đề khác liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Bên cạnh những kết quả, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Trần Văn Năm cho rằng, GĐTP vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, ngoài Trung tâm Pháp y và Phòng Kỹ thuật hình sự thì số giám định viên tư pháp được bổ nhiệm trên cơ sở các sở, ngành chuyên môn cử chọn trong biên chế và kiêm nhiệm thực hiện giám định không có nhiều thời gian và điều kiện thực hiện công tác GĐTP khi có yêu cầu.
Ngoài ra, phần lớn các giám định viên tư pháp chưa được đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, kỹ năng giám định bài bản để thực hiện việc giám định; còn vụ án, vụ việc thời gian giám định kéo dài nên ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án. Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định đối với giám định viên tư pháp chưa được tổ chức thường xuyên, chưa mời được những chuyên gia giỏi ở Trung ương để truyền đạt chuyên môn. Đồng thời, Luật GĐTP mở ra quyền yêu cầu giám định nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục và hồ sơ yêu cầu giám định của cá nhân, tổ chức có yêu cầu giám định.
Theo đó, kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành liên quan, hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về GĐTP trên tất cả lĩnh vực cho giám định viên tư pháp tại các địa phương. Theo quy định Luật GĐTP cho phép tư nhân được thành lập văn phòng giám định nhưng giới hạn ở một số lĩnh vực, kiến nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ tăng cường chỉ đạo xã hội hóa lĩnh vực GĐTP theo tinh thần Nghị quyết số 49- NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp./.