Nâng cao năng lực hoạt động của HTX nông nghiệp
Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, hiện đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX đa số chưa đáp ứng yêu cầu, gây không ít khó khăn cho việc tổ chức hoạt động và điều hành. Đây là bài toán khó, cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, giúp HTX phát triển bền vững trong thời gian tới.
Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Trường (Nga Sơn) hướng dẫn người dân kiểm tra, chăm sóc cây trồng.
Qua khảo sát của Liên minh HTX cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 4.060 cán bộ quản lý HTX nông nghiệp; trong đó, đa số cán bộ điều hành HTX đều là nông dân, ở độ tuổi trung niên, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Chỉ có 39,85% cán bộ quản lý trình độ đại học, cao đẳng; 23,47% trình độ trung cấp, sơ cấp và 36,68% chưa qua đào tạo. Thực tế cho thấy, nơi nào cán bộ quản lý HTX năng động, sáng tạo và tâm huyết thì nơi đó HTX phát triển, các thành viên HTX luôn tích cực tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh đề ra.
Huyện Nga Sơn có 27 HTX nông nghiệp, trong đó, có một số HTX hoạt động hiệu quả, như HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Trường, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Nga Yên, HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Trung... Dù phát triển nhưng một số HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng gặp không ít khó khăn. Ông Bùi Xuân Hồng, Giám đốc HTX nông nghiệp Nga Trường, xã Nga Trường, cho biết: HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Trường thực hiện 6 khâu dịch vụ phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, HTX đang gặp một số khó khăn như năng lực tổ chức, điều hành, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác điều hành còn hạn chế do lãnh đạo, quản lý đều là cán bộ kiêm nhiệm. Ban lãnh đạo HTX là nông dân, chưa qua đào tạo nên không tránh khỏi lúng túng trong điều hành. Những hạn chế về trình độ, năng lực của người đứng đầu khiến HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất với doanh nghiệp.
Được biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động, đội ngũ cán bộ quản lý của HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Trường đã chủ động đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, tập huấn kỹ thuật sản xuất,... do các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tổ chức. Nhờ đó, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX tương đối ổn định. Hàng năm, HTX thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ hơn 180 tấn sản phẩm cây hàng hóa cho các thành viên và người dân. Doanh thu bình quân của HTX đạt 2,8 đến 3 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh hạn chế về năng lực quản lý, một số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại. Do đó, để nâng cao chất lượng hoạt động, các HTX nông nghiệp đã chú trọng đầu tư, tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân. Ông Trịnh Văn Hiểu, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Định Tân (Yên Định), cho biết: Vốn là địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp, song người dân vẫn phát triển sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chưa được chú trọng; do đó, sản lượng, chất lượng sản phẩm chưa cao. Thực hiện chủ trương xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định, Trung tâm Khuyến nông tổ chức khoảng 3 - 4 đợt tập huấn mỗi năm cho người dân về kỹ thuật, quy chuẩn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, toàn xã đã xây dựng được 2 vùng sản xuất VietGAP, với tổng diện tích hơn 6 ha và hàng năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Theo thống kê của Liên minh HTX Thanh Hóa, để nâng cao năng lực quản lý, sản xuất cho các HTX nông nghiệp, hàng năm, liên minh đã chủ trì, phối hợp với các trung tâm, các nhà trường tổ chức khoảng 20 lớp tập huấn cho hơn 1.500 lượt người tham gia. Nội dung các lớp tập huấn gồm giới thiệu một số chính sách của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ phát triển HTX; hướng dẫn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh; kỹ năng thương thảo, ký kết hợp đồng, kỹ năng đàm phán; phương pháp tiếp cận, kết nối thị trường; các quy định về an toàn thực phẩm. Nhờ sự chủ động, tích cực của cán bộ quản lý, điều hành HTX, sự hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX tỉnh, chính quyền các địa phương, đến nay, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nâng cao được hiệu quả quản lý và chất lượng hoạt động. Theo đó, có 583 HTX xếp loại khá, giỏi, chiếm 45%; 479 HTX xếp loại trung bình, chiếm 37% và 18% HTX hoạt động yếu, kém.