Nâng cao năng lực hợp tác xã trong thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Hợp tác xã là nhân tố quan trọng, là cốt lõi của đề án 1 triệu ha lúa, không có hợp tác xã sẽ khó bàn đến đề án 1 triệu ha...

Trình diễn máy thu hoạch lúa tuốt rơm tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (Diễn đàn Khuyến nông@ Nông nghiệp “Giải pháp thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long"), ngày 28/3/2025.
Qua gần 1 năm thực hiện thí điểm Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại tỉnh Kiên Giang cho thấy, mô hình sản xuất tiên tiến này mang lại hiệu quả khá cao, được ngành chuyên môn và nông dân đánh giá cao; trong đó, hợp tác xã đóng vai trò quan trọng, góp phần triển khai hiệu quả mô hình. Tuy nhiên, qua đây cũng cho thấy những hạn chế, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ nhằm thực hiện đề án hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp là hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được chọn khởi động đề án với diện tích 50 ha, 25 hộ tham gia từ vụ lúa Hè Thu, Thu Đông 2024 và vụ Đông Xuân 2024-2025. Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, để thực hiện đề án, nông dân thực hiện theo cam kết sau khi thu hoạch lúa sẽ không đốt rơm rạ, thay vào đó sẽ được vận chuyển ra khỏi ruộng và xử lý Trichoderma, sau đó vệ sinh đồng ruộng; cày, xới và trục trạc sang phẳng mặt bằng đồng ruộng; khoảng cách giữa các vụ sản xuất ít nhất 3 tuần trở lên. Các hộ tham gia Đề án nhận được sự hỗ trợ như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá sản xuất. Đồng thời, ứng dụng cơ giới hóa máy sạ cụm, sạ hàng, Drone phun phân, thuốc, giống... Diện tích sản xuất đã cam kết sẽ thực hiện liên kết bao tiêu đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh đánh giá, qua 3 vụ thực hiện thí điểm mô hình ở 50 ha trồng lúa giảm phát thải, bước đầu đã cho kết quả rất tích cực như: Lượng lúa giống gieo sạ mật độ 70 kg/ha, (giảm hơn 40 kg so với mô hình sản xuất bên ngoài); lượng phân bón giảm hơn 100 kg/ha; lượng nước bơm vào ruộng cũng giảm nhiều vì được thực hiện kỹ thuật siết nước theo quy trình có lắp đặt các thiết bị theo dõi mực nước để giảm phát thải… qua đó giúp giảm chi phí đầu tư cho mùa vụ hơn 5 triệu đồng/ha, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân.
Không chỉ giảm chi phí, năng suất lúa trong mô hình thí điểm cũng tương đương với lúa ngoài mô hình. Cụ thể, vụ Hè Thu 2024, năng suất đạt hơn 6,2 tấn/ha; vụ Thu Đông 2024, đạt trên 5,7 tấn/ha; Đông Xuân 2024-2025 đạt trên 9 tấn/ha. Tỷ suất lợi nhuận đạt trên 60% so với ngoài mô hình. Lượng phát thải khí nhà kính ước giảm từ 7,4 tấn CO2 quy đổi/ha trở lên.
Về một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện thí điểm mô hình sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa Nguyễn Văn Huỳnh cho biết, liên kết giữa doanh nghiệp với Hợp tác xã và nông dân trong cung ứng máy móc thực hiện cải tạo đất, xuống giống, phun xịt thuốc, bón phân cho đến ký kết thu mua lúa còn thiếu chặt chẽ, xảy ra chậm trễ, thậm chí có những thương lái không đến thu mua lúa của nông dân khi giá lúa sụt giảm mạnh, hoặc vào thời điểm thu hoạch rộ.
Theo ông Huỳnh, một trong những vấn đề quan trọng là chính quyền địa phương, ngành chức năng liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp có năng lực, uy tín, đảm bảo cung ứng các dịch vụ đầu vào gắn với bao tiêu đầu ra cho hạt lúa. Còn để đảm bảo hiệu quả, kịp thời hơn, ông Huỳnh đề xuất cấp trên ban hành chủ trương, chính sách tăng cường vai trò, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã. Cụ thể, hợp tác xã được tiếp cận trực tiếp các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng để đầu tư máy móc, như: máy cày, máy xới, máy sạ hàng, sạ cụm, máy gặt đập liên hợp, máy bay phun xịt thuốc, bón phân, tài chính đủ thu mua lúa của nông dân…
Cùng với đó, bố trí một khu vực vừa đặt trụ sở để hợp tác xã hoạt động, vừa có không gian làm nhà kho thực hiện dự trữ lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua lúa của nông dân khi giá lúa giảm thấp, hay gặp phải tình trạng thương lái trì trệ trong thu mua nhằm giảm thiệt hại, thất thoát.
“Thời gian qua cho thấy, việc liên kết giữa doanh nghiệp đến hợp tác xã, nông dân thiếu chặt chẽ, không kịp thời. Bởi, doanh nghiệp ở xa địa bàn, lại thực hiện ở rất nhiều địa phương dẫn đến tình trạng xử lý, giải quyết vấn đề chậm trễ. Vì thế, việc tăng cường vai trò, nâng cao năng lực để hợp tác xã tham gia sâu hơn, rộng hơn trong cung ứng các dịch vụ, thực hiện thu mua lúa là rất cần thiết trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Huỳnh nhấn mạnh.
Ông Hồ Văn Hướng, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa bày tỏ phấn khởi sau 3 vụ lúa thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Ông Hướng cho biết, với 2 ha đất tham gia mô hình, mỗi vụ, giúp gia đình giảm chi phí khoảng 10 triệu đồng so với biện pháp canh tác truyền thống, lợi nhuận trung bình đạt trên 60% thu nhập (tăng hơn 20%). Điều làm cho ông Hướng và nhiều nông dân tham gia mô hình thí điểm không chỉ có hiệu quả kinh tế bước đầu mà ý nghĩa hơn đó là quy trình sản xuất mới thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị lúa, gạo Việt Nam để mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân, người tiêu dùng.
“Hiệu quả mô hình sản xuất theo đề án thấy rõ, nhưng nông dân lo lắng việc doanh nghiệp chưa đảm bảo máy móc phục vụ cải tạo đất, như máy cày, máy xới, máy sạ hàng, sạ cụm; máy bay phun xịt thuốc, bón phân, đặc biệt là thiếu máy gặt đập liên hợp và thương lái chậm trễ trong thu mua lúa, hoặc bỏ không thu mua lúa của nông dân. Vậy nên cần xem xét cho hợp tác xã, hoặc nông dân vay vốn, chủ động trong sản xuất, còn doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư, bao tiêu đầu ra hạt lúa từ đầu vụ với mức giá lúa sàn ổn định”, ông Hướng nói.
Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang, thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã triển khai mô hình thí điểm tại 12/12 huyện, riêng vụ Đông Xuân 2024 - 2025 triển khai 9 mô hình thí điểm, với diện tích 440 ha, lợi nhuận bình quân hơn 35 triệu đồng/ha, cao hơn so với bên ngoài 5 triệu đồng/ha.
Qua thí điểm trên địa bàn tỉnh cho thấy một số khó khăn, hạn chế như: Do cơ cấu lịch thời vụ chung của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên thường các tỉnh, thành phố trùng thời gian thu hoạch, tạo áp lực cho các doanh nghiệp về vốn, tiêu thụ và xuất khẩu gạo. Vai trò, năng lực hoạt động của một số hợp tác xã còn yếu, chưa đảm bảo thực hiện; nguồn lực tài chính của địa phương còn hạn chế để phân bổ vốn thực hiện đề án 1 triệu ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang đề xuất cần tính toán lại mùa vụ sản xuất các vụ lúa trong năm hợp lý hơn theo hướng dịch chuyển thời gian của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để hạn chế tình trạng đụng đồng trong giai đoạn thu hoạch lúa; đối với các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa nên tính toán bố trí xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến lúa gạo tại các vùng nguyên liệu để giảm chi phí logistics và tăng hiệu quả liên kết tiêu thụ. Cùng với đó, củng cố, nâng cao vai trò, năng lực, nhất là chính sách tài chính tín dụng để hợp tác xã thực hiện các dịch vụ cung ứng đầu vào, đầu ra....
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, diện tích làm lúa nhỏ lẻ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều nên không có một doanh nghiệp nào, cơ giới nào đến từng hộ nông dân để liên kết thu mua. Thông qua hợp tác xã sẽ tập hợp nhiều mảnh đất nhỏ thành một đại điền dễ thực hiện đồng bộ chuỗi sản xuất khép kín từ gieo sạ đến thu hoạch, liên kết thu mua, giảm rủi ro, nâng cao lợi nhuận.
“Hợp tác xã là nhân tố quan trọng, là cốt lõi của đề án 1 triệu ha lúa, không có hợp tác xã sẽ khó bàn đến đề án 1 triệu ha. Vì vậy, trong thực hiện đề án chúng tôi chú trọng nâng cao năng lực, vai trò của hợp tác xã; trong đó có thể kể đến việc tăng cường hỗ trợ nguồn vốn vay không phải thế chấp tài sản để hợp tác xã đảm bảo tài chính trong thực hiện liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp, mua máy móc, thực hiện các dịch vụ nông nghiệp đầu vào cho đến thu mua lúa của nông dân. Cùng với đó, tăng cường đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý cho các hợp tác xã”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.