Nâng cao năng lực khai thác và chế biến thủy, hải sản
Những năm gần đây, kinh tế thủy sản của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, hàng năm chiếm 23% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Đây là kết quả của sự nỗ lực cố gắng của các ngành có liên quan của tỉnh, địa phương ven biển cùng với cộng đồng ngư dân trong việc thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ và chế biến thủy, hải sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.
Ngư dân vận chuyển hải sản tại Cảng Lạch Hới (TP Sầm Sơn).
Những năm gần đây, hoạt động khai thác hải sản của tỉnh từng bước chuyển dịch từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ, sử dụng các phương tiện, máy móc hiện đại nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Từ những chính sách phát triển thủy sản, ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn, nâng cao năng lực khai thác xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 1.290 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tham gia khai thác hải sản ở các vùng biển khơi xa. Hình thức tổ chức khai thác trên biển được cơ cấu lại theo hướng liên kết các tổ, nhóm, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ như trước đây. Nhiều tàu cá khai thác hải sản xa bờ đã chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, như: Ứng dụng máy dò cá Sona cho nghề lưới vây, lưới kéo; đèn LED trong nghề chụp mực; trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa VX1700 kết nối định vị vệ tinh; trang bị hầm bảo quản sản phẩm cách nhiệt bằng vật liệu PU... Vì vậy sản lượng khai thác không ngừng tăng qua các năm, từ 100.258 tấn năm 2016 tăng lên 125.340 tấn năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,45%/năm. Trong 4 tháng năm 2021, sản lượng khai thác đạt 43.466 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Đạt được kết quả đó là do có sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh trong công tác tổ chức thực hiện sản xuất, chú trọng hỗ trợ ngư dân nâng cao năng lực tàu thuyền theo hướng hiện đại để vươn khơi khai thác hải sản xa bờ. Thực hiện việc cấp giấy phép khai thác hải sản cho tàu cá, Chi cục Thủy sản đã cấp phép khai thác thủy sản cho 2.181/2.265 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên, đạt 96%. Việc ghi, nộp nhật ký của chủ tàu hay thuyền trưởng sau kết thúc chuyến biển và giám sát tàu cá hoạt động trên biển, đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn cho tàu cá cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với khuyến khích ngư dân cải hoán, đóng tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu và hoạt động khai thác hải sản của tỉnh cơ bản được kiểm soát chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU đến với ngư dân, doanh nghiệp liên quan đến khai thác, chế biến thủy, hải sản được thực hiện thường xuyên. Vì vậy, trong 3 năm qua không xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ, xử lý.
Đồng chí Lê Minh Lương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Lâu nay, ngư trường truyền thống của ngư dân trong tỉnh là Vịnh Bắc bộ và vùng biển hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Gần đây, với sự mạnh dạn đầu tư của ngư dân, nhiều tàu cá công suất lớn trong tỉnh đã đăng ký giấy phép khai thác vùng biển phía Nam, vươn tới ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản. Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, đến nay ngư dân trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 389 tổ đoàn kết trên biển, với 1.975 tàu cá tham gia, tăng 173 tổ và 314 tàu cá so với năm 2015, thu hút 14.294 lao động tham gia. Các tổ đoàn kết trên biển đã phát huy sức mạnh tập thể, nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy, hải sản, hạn chế tai nạn trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tàu cá của ngư dân trong tỉnh đang dần được hiện đại hóa khi có sự hỗ trợ chuyển giao các mô hình ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Nhằm hướng tới sản xuất bền vững, tỉnh khuyến khích phát triển nghề vây khơi, nghề lưới rê, chụp mực, nghề câu... để thay đổi cơ cấu sản phẩm khai thác theo hướng tăng sản lượng thủy, hải sản có giá trị cao và hướng tới xuất khẩu.
Việc chú trọng phát triển khai thác xa bờ nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế thủy sản, từng bước nâng cao sản lượng, tăng thu nhập cho ngư dân là một trong những chủ trương đúng của tỉnh trong bối cảnh ngư trường ven bờ ngày càng cạn kiệt.
Trong chế biến thủy sản, đến nay trên địa bàn tỉnh có 80 doanh nghiệp và hơn 1.000 cơ sở chế biến thủy, hải sản đang hoạt động, với các sản phẩm chính, như: Nước mắm, ngao, tôm, mực, cá đông lạnh, chả cá, bột cá, cá hấp, sứa thành phẩm, mực khô, cá khô, moi khô... phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ... Hàng năm, doanh thu từ hoạt động chế biến thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của thị trường, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, như: GMP/SSOP, HACCP, ISO 22000... Cùng với việc củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng 240 cửa hàng cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn ở các địa phương, với sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 6.500 tấn thủy, hải sản/năm. Đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mắm tôm Hậu Lộc, đăng ký nhãn hiệu cho nước mắm Do Xuyên – Ba Làng của phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn)... Ngoài ra, nhiều sản phẩm thủy, hải sản ở các địa phương ven biển được các cơ sở sản xuất chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu, trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 12 sản phẩm chế biến thủy, hải sản ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn... được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt chất lượng 3 - 4 sao. Hầu hết các sản phẩm thủy sản OCOP đều có chất lượng tốt, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đánh giá cao.
Mặc dù vậy, hiện nay tình trạng bồi lắng, xuống cấp của các cảng cá, bến cá ở các địa phương ven biển cùng với hệ thống luồng, lạch ra vào cảng bị bồi lắng nhưng chưa được quan tâm đầu tư khiến nhiều tàu cá có công suất lớn gặp khó khăn khi ra vào cảng bốc dỡ hải sản. Nhiều tàu cá của tỉnh không về bốc dỡ sản phẩm sau khai thác ở các cảng cá của tỉnh mà cập cảng phân phối hải sản ở các địa phương khác khiến các nhà máy, cơ sở chế biến thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh thiếu nguyên liệu sản xuất. Không chỉ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh nguồn nguyên liệu, các cơ sở chế biến thủy, hải sản còn bị hạn chế bởi dây chuyền công nghệ lạc hậu, sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, giá trị không cao, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm. Để khắc phục những hạn chế kể trên, phấn đấu sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025 đạt 949.400 tấn, tăng so với giai đoạn 2016-2020 là 574.223 tấn, góp phần ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở, làng nghề chế biến thủy, hải sản, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp đang hướng tới thu hút phát triển cơ sở chế biến thủy, hải sản gắn với khu công nghiệp và theo chuỗi liên kết từ nuôi trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu. Trong đó, ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; thực hiện truy nguồn gốc bằng tem điện tử mã QR-Code; giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Đồng thời, quan tâm đào tạo lực lượng lao động trực tiếp chế biến thủy, hải sản về kỹ thuật, công nghệ, trình độ quản lý, kỹ năng phát triển thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực chế biến thủy sản theo hướng địa phương xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.