Nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế do người bệnh bị phơi nhiễm các nguy cơ nhiễm khuẩn khi đến khám, chữa bệnh (KCB) ở các cơ sở y tế, đặc biệt khi họ trải qua điều trị và thủ thuật xâm lấn. NKBV làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. Do vậy, để nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở KCB nhằm tăng cường chất lượng KCB, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, thời gian qua ngành y tế luôn quan tâm chỉ đạo thường xuyên, các cơ sở y tế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để kiểm soát nhiễm khuẩn.

Các bác sĩ, nhân viên y tế đều sử dụng dung dịch rửa tay khử khuẩn nhanh trước khi tiếp xúc với bệnh nhi.

Là khoa điều trị chuyên biệt cho đối tượng trẻ sơ sinh đến 2 tháng tuổi - đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất do trẻ chưa hoàn chỉnh hệ thống miễn dịch, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi được trang bị 40 giường sơ sinh và 5 lồng ấp, hệ thống lọc khí áp lực âm, hệ thống máy phun sương khử khuẩn môi trường không khí, dung dịch sát khuẩn tay nhanh đến tận đầu giường, mỗi trẻ có bộ dụng cụ riêng biệt. Để tránh nhiễm khuẩn ở trẻ, cán bộ, nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm soát NKBV, trước khi vào khoa, trước, trong và sau khi chăm sóc trẻ đều tuân thủ việc sát khuẩn tay nhanh bằng dung dịch hóa chất diệt khuẩn, 100% nguồn nước sử dụng tại khoa là nước lọc RO. Cùng với đó, công tác vệ sinh phòng bệnh, khu điều trị, trang thiết bị đúng quy trình, các dụng cụ y tế bảo đảm tiệt khuẩn tuyệt đối... nên tỷ lệ lây nhiễm chéo giảm đáng kể so với trước đây.

Được biết, tại Bệnh viện Nhi, trung bình mỗi ngày có khoảng 650 đến 750 lượt người đến khám, điều trị, 30 đến 40 ca phẫu thuật; ngoài ra còn rất nhiều bé đẻ thiếu tháng, nhẹ cân, suy dinh dưỡng nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao đòi hỏi công tác kiểm soát NKBV phải được tăng cường, phát triển tương xứng, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất NKBV. Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Lê Thị Thủy, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, cho biết: Xác định công tác phòng chống NKBV vô cùng quan trọng, bệnh viện đã thành lập Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - là đơn vị chủ lực, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo bệnh viện về chống nhiễm khuẩn toàn bệnh viện. Hàng ngày khoa chia làm 5 tổ (giám sát, giặt là, hấp sấy, tiệt khuẩn, thu gom và xử lý chất thải) xử lý vệ sinh, thu gom, phân loại chất thải; giặt chăn, ga, quần áo; hấp, sấy dụng cụ y tế... Khoa được trang bị 3 máy giặt công nghiệp từ 32 đến 55kg/máy, 3 máy sấy công nghiệp, 2 máy hấp nhiệt độ cao dung tích 300 - 600 lít, 1 máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp sử dụng công nghệ EO dung tích 160 lít; cán bộ, nhân viên trong khoa được tập huấn về công tác quản lý phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải y tế và công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế, thực hiện đúng quy trình hấp sấy tiệt khuẩn không để xảy ra sai sót nhầm lẫn dụng cụ trong các bộ tiểu phẫu, đại phẫu. Khoa thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát công tác chống nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng định kỳ, tăng cường hoạt động của hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, qua đó kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế tối đa các ca lây nhiễm chéo do NKBV.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công tác kiểm soát NKBV đã được quan tâm, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ. Để tăng cường nhận thức cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh về tầm quan trọng của kiểm soát NKBV, Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng và thực hiện quy trình NKBV, làm cẩm nang quan trọng cho công tác phòng chống nhiễm khuẩn của nhân viên y tế. Việc kiểm soát và dự phòng NKBV hiệu quả được xem như một tiêu chuẩn quan trọng nhằm nâng cao chất lượng KCB trong bệnh viện.

Theo đó, để kiểm soát sự lây lan của vi khuẩn trong bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng của các dịch vụ y tế, bệnh viện đã thực hiện đầy đủ, có hiệu quả công tác giám sát NKBV, giám sát nhiễm khuẩn vết mổ, giám sát viêm phổi liên quan thở máy; phối hợp theo dõi tình hình vi khuẩn gây bệnh và kháng kháng sinh... Đồng thời giám sát thực hành các quy trình tuân thủ của nhân viên y tế bằng: Vệ sinh tay thường quy, thực hành tuân thủ ngoại khoa tại khu phẫu thuật, quy trình thay băng, quy trình chăm sóc người bệnh thở máy; đề xuất các biện pháp can thiệp nhằm giảm tỷ lệ NKBV liên quan tới chăm sóc y tế. Trong công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, bệnh viện sử dụng hệ thống máy móc hiện đại; bảo đảm tiệt khuẩn đầy đủ các bộ phẫu thuật, bộ tiểu phẫu thuật, bộ thay băng, băng gạc vô khuẩn cho các khoa trong viện. Công tác xử lý rác thải y tế nguy hại và vận hành trạm xử lý chất thải lỏng theo đúng quy định. Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường trong bệnh viện luôn được quan tâm nhằm đem lại không gian trong sạch, thoải mái nhất cho người bệnh. Bệnh viện thực hiện xã hội hóa công tác vệ sinh, bảo đảm chất lượng vệ sinh nội, ngoại cảnh trong toàn bệnh viện... Từ đó góp phần xây dựng môi trường bệnh viện an toàn, hạn chế tới mức thấp nhất NKBV.

Thực hiện Thông tư số 16/2018/TT-BYT ngày 20-7-2018 của Bộ Y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở KCB, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai đến các cơ sở y tế trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị tổ chức phổ biến cho tất cả cán bộ, nhân viên trong đơn vị về các nội dung, nhiệm vụ của cán bộ y tế đối với công tác kiểm soát NKBV theo Thông tư 16/2018/TT-BYT. Tất cả các cơ sở KCB tuyến tỉnh thành lập khoa kiểm soát NKBV, bệnh viện tuyến huyện thành lập tổ kiểm soát NKBV và xây dựng mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn cho bệnh viện; 100% bệnh viện đã xây dựng quy trình kiểm soát NKBV theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn trong tình hình mới; thực hiện nuôi cấy tìm vi khuẩn để đưa ra các biện pháp xử lý nếu có; đẩy mạnh công tác giám sát NKBV và giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn; tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nhà bệnh nhân về kiểm soát NKBV; đưa tiêu chí kiểm soát NKBV vào bình xét thi đua cuối năm... vì thế đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ NKBV.

Tuy nhiên, công tác kiểm soát NKBV vẫn còn nhiều khó khăn do nhận thức về NKBV của một số người đứng đầu cơ sở KCB và nhân viên y tế chưa quan tâm chú trọng. Bên cạnh đó, nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu và yếu, nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhiều nhiệm vụ chuyên môn trọng yếu về kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được thực hiện, chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục các loại NKBV thường gặp và giám sát các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Để đáp ứng nhu cầu KCB trong tình hình mới, giảm thiểu tỷ lệ NKBV, ngành y tế đã đưa việc kiểm soát NKBV là một trong những ưu tiên của ngành. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và nhân lực, tăng cường các hoạt động chuyên môn lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở KCB, đặc biệt đẩy mạnh công tác giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát NKBV, xây dựng môi trường bệnh viện sạch, an toàn, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị sức khỏe người dân.

Bài và ảnh: Hà Bắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/nang-cao-nang-luc-kiem-soat-nhiem-khuan-benh-vien/103716.htm