Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới

(Tiếp theo k trước)

* NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước

BPO - Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước luôn vận động, phát triển hết sức nhanh chóng, phức tạp. Các vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên thế giới, khu vực, trong nước luôn nảy sinh những vấn đề mới cần được nhận thức và giải quyết, trong đó có không ít vấn đề nan giải và vô cùng nhạy cảm, phức tạp… Điều này đòi hỏi đảng bộ các cấp trong tỉnh phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp thực tiễn; phải nhất quán trong quan điểm, nguyên tắc về chiến lược, giữ vững mục tiêu, mềm dẻo, linh hoạt về sách lược, có sự ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trước những biến động của tình hình thế giới, trong nước và khu vực.

Những vấn đề cần tập trung giải quyết

Thời kỳ đổi mới, việc xây dựng Đảng sẽ diễn ra trong những điều kiện khác hẳn trước đây. Nền kinh tế của tỉnh đã và đang chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự đa dạng hóa chế độ sở hữu, hình thức và thành phần kinh tế; lấy điều tiết của thị trường làm căn cứ cơ bản, thị trường đóng vai trò là cơ sở để kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân… Bên cạnh đó, trong điều kiện mới hiện nay, nguy cơ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đặc biệt tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu… diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp đã và đang là vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng, là nguy cơ đe dọa sự tồn tại của Đảng và chế độ. Cùng với đó là những âm mưu và hành động chống phá Nhà nước ta của các thế lực thù địch, phản động.

Từ những nguy cơ này, hơn bao giờ hết, đòi hỏi Đảng cầm quyền phải kiên định, năng động, nhạy bén, bản lĩnh để có những đường lối, chính sách mềm dẻo, khôn khéo, đúng đắn. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị của tỉnh đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, điều quan trọng đòi hỏi đảng bộ các cấp, các tổ chức đảng phải có sự điều chỉnh nội dung và phương thức cầm quyền sao cho vừa đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng vừa phát huy vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Với tư cách cầm quyền, Đảng lãnh đạo chính quyền nhưng Đảng không làm thay công việc của chính quyền, mà xây dựng chính quyền vững mạnh, để chính quyền cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thực hiện. Chính quyền phải quản lý xã hội theo pháp luật và bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là quan điểm cơ bản đã được Đảng ta nêu ra từ lâu, nhưng thực hiện vẫn còn hạn chế.

Trình độ dân trí của tỉnh ngày càng được nâng cao, ý thức về trách nhiệm và quyền công dân càng đòi hỏi phải đẩy mạnh việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Từ đó, cũng đòi hỏi đảng bộ, các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở phải thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức lãnh đạo, cầm quyền cho phù hợp với vai trò là một đảng cầm quyền. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo công cuộc đổi mới, thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế… là vấn đề mới mẻ, chưa có thực tiễn trên thế giới, đòi hỏi phải tìm tòi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Cùng với những hạn chế trong tổ chức bộ máy và yếu kém trong đội ngũ cán bộ thời gian qua đòi hỏi phải đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng rất dễ xảy ra tình trạng suy thoái ở một số cán bộ, đảng viên và nguy cơ sai lầm về đường lối, đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về sự suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tệ nạn quan liêu, xa dân, tham nhũng, lãng phí… Bởi khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền, một bộ phận đáng kể cán bộ, đảng viên trở thành những cán bộ có chức, có quyền trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đây là điều kiện dễ làm cho cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, chạy theo chức, quyền, danh, lợi, dẫn đến phai nhạt lý tưởng, tham nhũng, xa rời nhân dân và dễ xa vào những tệ nạn mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII đã nhận diện. Vì vậy, đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng phải được thể hiện ở việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị, mà khâu mấu chốt nhất là đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tiếp đến là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội; đổi mới cách ra nghị quyết; đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm không còn phù hợp

Để đạt được những yêu cầu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, trong thời gian tới đảng bộ, các tổ chức đảng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Các cấp ủy tập trung lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và công tác dân vận tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội và trong mỗi cơ quan, đơn vị về việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết giai đoạn hiện nay và phù hợp sự phát triển của tỉnh. Tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đề án số 05-ĐA/TU ngày 2-7-2022 của Tỉnh ủy Bình Phước về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để sắp xếp tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở gắn chặt chẽ với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phương thức hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Sau khi kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, phải xây dựng quy chế hoạt động, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân, không để trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và phải duy trì thực hiện nghiêm quy chế hoạt động.

Đảng bộ, các tổ chức đảng phải bám sát chủ trương, nghị quyết, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và vận dụng linh hoạt theo tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị; chú ý những yêu cầu về nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, bảo đảm tính ổn định, tránh chủ quan, nóng vội, cần nhanh chóng thay đổi nếp nghĩ, cách làm không còn phù hợp. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định và chủ động ban hành quy định mới theo thẩm quyền làm cơ sở để thực hiện; phải có cơ chế, chính sách phù hợp, giải quyết tốt mối quan hệ giữa sắp xếp tổ chức bộ máy với việc đảm bảo quyền lợi của cán bộ; giám sát việc thực hiện tinh gọn bộ máy ở các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị...

Phải đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, trước hết trong ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bí thư, lãnh đạo chủ chốt. Người đứng đầu các cấp phải thực sự mẫu mực, nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của địa phương, cơ quan, đơn vị và nhân dân lên trên hết, trước hết. Thường xuyên tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng.

Đảng bộ, các tổ chức đảng phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân.

Xây dựng Đảng phải gắn kết chặt chẽ với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong đó, xây dựng Đảng là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách. Đồng thời, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cách làm bài bản, dân chủ, chắc chắn và có bước đi phù hợp; kiên trì, cầu thị, lắng nghe; không cầu toàn, không chủ quan, nóng vội, mất cảnh giác và không tự mãn với thành tích đạt được.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/146030/nang-cao-nang-luc-lanh-dao-cua-dang-trong-tinh-hinh-moi