Nâng cao năng lực lãnh đạo của nữ cán bộ người dân tộc thiểu số
Những năm qua, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ người DTTS đặc biệt là nữ cán bộ người DTTS luôn được các cấp ủy, các ngành, các cấp quan tâm.
Nâng cao năng lực và kỹ năng lồng ghép giới
Với đặc thù là địa bàn khó khăn của tỉnh Yên Bái, trình độ, dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, huyện Mù Cang Chải hiện có gần 10 nghìn hội viên phụ nữ, tỷ lệ thu hút đạt 81%. Khẳng định vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm phát huy tiềm năng, sự sáng tạo của hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Họ đã tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện và sự bình đẳng giới.
Dự án "Nâng cao năng lực cộng đồng tại địa phương” do Trung tâm Nghiên cứu phát triển phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (FEMMA) - Đại học Thái Nguyên và Hội Nông dân tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức tập huấn "Thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo, lồng ghép giới và lập kế hoạch hành động” tại các xã: La Pán Tẩn, Nậm Khắt và Púng Luông, huyện Mù Cang Chải vừa qua đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Lớp tập huấn đã trang bị, nâng cao năng lực lãnh đạo và kỹ năng lồng ghép giới cho các nhà lãnh đạo nữ. FEMMA hướng tới mục tiêu tạo cơ hội, trao quyền, thúc đẩy sự phát triển xã hội, giáo dục, kinh tế và chính trị cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái để đạt được bình đẳng giới thực chất thông qua các dự án hoạt động như: vận động chính sách liên quan đến quyền của phụ nữ; xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao năng lực và kỹ năng lãnh đạo, ra quyết định của phụ nữ.
Hướng tới mục tiêu bền vững
Theo TS. Bùi Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (FEMMA) – Đại học Thái Nguyên, dự án “Thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo và lồng ghép giới thông qua tập huấn và thực hiện kế hoạch hành động được triển khai đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực tại các địa phương với 3 khóa tập huấn thu hút 135 học viên dân tộc thiểu số; 21 kế hoạch hành động nhóm, 35 kế hoạch hành động cá nhân của học viên; 1 hội thảo chia sẻ kết quả và 1 hội thảo ra mắt mạng lưới lãnh đạo nữ dân tộc thiểu số.
Từ những thành tựu ban đầu, Ban Tổ chức hướng tới những mục tiêu bền vững với khoảng 2.000 đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi, ít nhất 90 nữ lãnh đạo dân tộc thiểu số sẽ áp dụng kiến thức, kỹ năng tại khóa tập huấn một cách hiệu quả; về mặt cộng đồng, chương trình hướng tới vận động tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ và xóa bỏ định kiến giới tại địa phương.
Bà Sùng Thị Mỷ - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết: Hoạt động của FEMMA triển khai tại địa phương đã có hàng trăm phụ nữ người dân tộc thiểu số được cung cấp các kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý thúc đẩy bình đẳng giới then chốt. Từ những kiến thức về mọi mặt được trang bị, vai trò và những đóng góp của chị em hội viên, phụ nữ huyện Mù Cang Chải từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 6,6%. Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, chị em đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động tạo thu nhập ổn định cuộc sống.
Trung tâm Nghiên cứu phát triển phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (FEMMA, https://femma.tnu.edu.vn) – Đại học Thái Nguyên là tổ chức Khoa học và công nghệ với tầm nhìn phấn đấu trở thành một mắt xích quan trọng để tạo ra một tương lai ở đó tất cả phụ nữ và trẻ em gái (đặc biệt là dân tộc thiểu số, người khuyết tật...) được tôn trọng, được nhìn nhận, được tạo cơ hội và đối xử công bằng trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống; góp phần quan trọng thực hiện tốt các mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
FEMMA hướng tới mục tiêu tạo cơ hội, trao quyền, thúc đẩy sự phát triển xã hội, giáo dục, kinh tế và chính trị của tất cả phụ nữ và trẻ em gái để đạt được bình đẳng giới thực chất thông qua các dự án hoạt động như vận động chính sách liên quan đến quyền của phụ nữ; xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao năng lực và kỹ năng lãnh đạo, ra quyết định của phụ nữ; thúc đẩy sự bao gồm và cộng đồng đa dạng.