Nâng cao năng lực lãnh đạo, phương thức cầm quyền của đảng bộ các cấp

Bài 2
NÂNG CHẤT ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

*NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Trong những năm qua, phương thức lãnh đạo và cầm quyền của đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đều coi trọng sử dụng các biện pháp công tác tổ chức, cán bộ, tư tưởng và luôn có sự tác động lẫn nhau. Các tổ chức đảng đã lãnh đạo xây dựng và phát huy tốt vai trò của chính quyền, của pháp luật, đồng thời làm tốt công tác tổ chức cán bộ, bảo đảm hiệu quả cao trong quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội...

Thực trạng phương thức lãnh đạo, cầm quyền của đảng bộ các cấp

Thời gian gần đây, việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng thành chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được thực hiện thiết thực, hiệu quả hơn. Hầu hết nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy về các lĩnh vực như đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tư nhân; sắp xếp, kiện toàn bộ máy nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược… đã nhanh chóng được cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và được thực hiện, phân định cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn, lề lối làm việc của các tổ chức và lãnh đạo các cấp theo phân cấp quản lý, phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân… Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu rõ: Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã thông qua nhiều quyết định quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh. Cùng với đó, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng và tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan đảng - nhà nước để thực hiện trên nguyên tắc Đảng giới thiệu người ứng cử vào các chức vụ chủ chốt của bộ máy chính quyền, đồng thời tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước; các tổ chức đảng theo phân cấp quản lý giới thiệu những đảng viên ưu tú ứng cử vào các chức danh chủ chốt của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đồng thời xây dựng cơ chế hiệu quả để giám sát hoạt động của đội ngũ đảng viên làm việc trong bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức giao ban định kỳ (hằng tuần, hằng tháng) giữa thường trực cấp ủy và thường trực HĐND, thường trực UBND các cấp; cải tiến cách ra nghị quyết và các quyết định của Đảng, từ đó đã giảm bớt nhiều công việc trùng chéo với cơ quan nhà nước, cơ quan đảng ở các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu thì còn một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, thiếu trách nhiệm. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ.

Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của đảng bộ các cấp trong tỉnh những năm gần đây dưới tác động của nền kinh tế thị trường còn bộc lộ một số hạn chế, một số cơ quan tham mưu của UBND cấp cơ sở có biểu hiện thực hiện pháp luật không nghiêm, có hiện tượng “lách luật”, vận dụng luật có lợi cho “lợi ích nhóm”, nhất là trong lĩnh vực đấu thầu, doanh nghiệp, tài nguyên - môi trường... Việc quản lý, điều hành của UBND các cấp một số nơi còn biểu hiện lỏng lẻo, để xảy ra sai phạm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, nhất là trong quản lý đất đai, phát triển doanh nghiệp… Nhiều nghị quyết của Đảng không được thực hiện nghiêm túc, việc lạm dụng quyền lực còn nhiều, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền”. Trong hoạt động tư pháp cũng còn nhiều hạn chế, nhiều phiên tòa chưa bảo đảm tính nghiêm minh, khách quan… Ở các địa phương, hiện tượng tổ chức đảng buông lỏng hoặc lấn sân chính quyền vẫn còn, còn tình trạng chuyên quyền độc đoán của bí thư cấp ủy dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, sai phạm trong công tác cán bộ như ưu tiên người nhà, người thân… gây thất thoát tài sản nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Quan hệ công tác và phong cách làm việc của một số tổ chức và cá nhân trong bộ máy đảng, chính quyền chưa tốt, chưa rõ, dẫn đến chồng chéo, thiếu thực quyền.

Việc phối hợp công tác giữa cơ quan đảng với cơ quan nhà nước các cấp có lúc chưa tốt, chưa có sự phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa ban thường vụ, thường trực cấp ủy với UBND, HĐND, các ban, ngành ở địa phương; các quy chế phối hợp đã có nhưng còn chung chung, vẫn còn tình trạng cơ quan đảng bị dồn việc, họp hành quá nhiều hoặc cấp ủy chỉ đạo chung chung, ít sâu sát thực tiễn. Một số cơ quan tham mưu của đảng bộ cơ sở, kể cả cấp huyện chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ để phục vụ việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với HĐND và UBND cùng cấp. Trong hoạt động của các tổ chức đảng, khâu kiểm tra, giám sát quyền lực vẫn là yếu nhất; hầu hết các sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đều do các cơ quan chuyên môn cấp trên hoặc nhân dân, báo chí phát hiện…

Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ

Để không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của đảng bộ các cấp trong tình hình mới, đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung quán triệt thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể. Đó là tiếp tục đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; lãnh đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Tăng cường quản lý; giám sát đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú; thường xuyên rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên, kiên quyết, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về "trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Chương trình hành động số 28-CT/TU ngày 7-10-2022 của Tỉnh ủy Bình Phước về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Hiện nay, đội ngũ đảng viên nắm giữ hầu hết các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị, có quyền lực rất lớn và nguy cơ tha hóa quyền lực, quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” rất cao. Vì vậy, đảng bộ các cấp phải thường xuyên xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, quản lý chặt chẽ đảng viên ngay từ chi bộ; phát hiện và xử lý kịp thời đảng viên có dấu hiệu vi phạm để xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, trí tuệ, đủ năng lực lãnh đạo, cầm quyền đối với toàn hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, đảm bảo ngoài kiến thức cơ bản phải có trình độ lý luận chính trị, kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý, có năng lực nghiên cứu và phân tích ở tầm vĩ mô về hoạch định chính sách…

Đảng bộ các cấp phải lưu ý chọn những người am hiểu và đủ trình độ chỉ đạo hoạch định chính sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế; chủ động đào tạo, bồi dưỡng về kinh tế và quản lý kinh tế cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Thường xuyên đổi mới tổ chức và phương thức kiểm tra, giám sát quyền lực, phải phối hợp kiểm tra, giám sát với các cơ quan thanh tra nhà nước theo hình thức thường xuyên và đột xuất, không phải đợi khi có khuyết điểm, tố cáo mới kiểm tra. Đồng thời phải quy định chặt chẽ chế độ chịu trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm giữ quyền lực.

Các tổ chức đảng, đảng bộ các cấp tiếp tục đổi mới cách ra nghị quyết, nghiên cứu sắp xếp lại bộ máy. Cấp ủy nên dành thời gian nghiên cứu, đánh giá, bàn bạc chỉ đạo hoạt động của cơ quan nhà nước, chú ý công tác tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết. Nếu cần ra nghị quyết mới thì phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ.

Các tổ chức đảng, đảng bộ các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Đề án số 05-ĐA/TU ngày 12-7-2022 của Tỉnh ủy tổ chức sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh và mở rộng dân chủ trong Đảng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; xử lý tốt mối quan hệ đảng viên với tổ chức đảng. Xây dựng và kiện toàn cơ chế quy định rõ những việc và mức độ cấp ủy chỉ đạo chính quyền để không bao biện làm thay, nhưng cũng không buông lỏng vai trò lãnh đạo. Thấm nhuần quan điểm dựa vào dân để nắm bắt vấn đề xây dựng đường lối, chính sách, phục vụ nhu cầu và lợi ích thiết thực của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động nhân dân tham gia xây dựng Đảng và chính quyền các cấp trong thời kỳ hiện nay.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị và Đề án số 03-ĐA/TU ngày 16-3-2022 của Tỉnh ủy về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khóa XI ban hành quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Chương trình hành động số 33-Ctr/TU ngày 6-2-2023 của Tỉnh ủy Bình Phước về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/144139/nang-cao-nang-luc-lanh-dao-phuong-thuc-cam-quyen-cua-dang-bo-cac-cap