Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong thời kỳ mới

* NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước

BPO - Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn đến mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Vai trò của tổ chức cơ sở đảng

Thành tựu của hơn 26 năm từ ngày tái lập tỉnh dưới sự lãnh đạo của đảng bộ các cấp trong tỉnh đã đem lại cho Bình Phước sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ổn định về chính trị, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện và từng bước nâng lên. Những thành tựu đó đã ảnh hưởng tích cực đến công tác xây dựng Đảng, thiết thực góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, tin tưởng mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được còn không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi phải vượt qua, như: nền kinh tế phát triển chưa bền vững, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 thời gian qua và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra; xu hướng già hóa dân số nhanh; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp... Đặc biệt, những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đang hằng ngày, hằng giờ tác động làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã và đang có dấu hiệu phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng và các tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh…

Tình hình nêu trên đang đặt ra những thách thức không thể xem thường đối với công tác xây dựng Đảng, đòi hỏi toàn Đảng bộ tỉnh cũng như mỗi chi bộ, tổ chức đảng trong tỉnh phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Trong đó, đặc biệt phải coi trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh là hạt nhân chính trị ở cơ sở, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả; chủ động phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh… Thực hiện Quy định số 127-QĐ/TW ngày 1-3-2018 của Ban Bí thư “Quy định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn” và đặc điểm, điều kiện của các xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước để cụ thể hóa. Tuy nhiên, thời gian qua đã gặp không ít khó khăn, đó là tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố quy định mỗi xã thực hiện giảm 2 công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách đối với xã loại I, loại II là 8 người, xã loại III là 9 người. Trong khi tại Quyết định số 999-QĐ/TU của Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện tinh giản 50% biên chế cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã là chưa phù hợp với quy định pháp luật và rất khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về việc thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu phố, thôn, ấp. Do đó, các địa phương còn vướng các quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế kiểm soát quyền lực dẫn đến một số cán bộ, đảng viên mắc sai lầm đến mức phải thi hành kỷ luật. Chỉ tính từ ngày 19-12-2017 đến 31-12-2021, thi hành kỷ luật đối với cán bộ diện ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý là 730 người, nội dung sai phạm chủ yếu vi phạm những điều đảng viên không được làm, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; công tác cán bộ, công tác tài chính…

Kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ then chốt

Để phát huy vai trò tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã thuộc đảng bộ cấp huyện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, yêu cầu đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thực hiện nghiêm và phải coi công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ then chốt nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các đơn vị, địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Đề án 05 của Tỉnh ủy; phát huy tiềm năng, điều kiện, khả năng, thế mạnh của xã, phường, thị trấn, tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện những nội dung đảm bảo phù hợp chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật chuyên ngành, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Đồng thời vận động nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng địa phương vững mạnh.

Đảng bộ cấp xã phải trực tiếp giữ vững mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng nhân dân ở cơ sở, đây là vấn đề sống còn của Đảng và tổ chức đảng. Mọi hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đều phải liên quan trực tiếp đến nhân dân, vì mục tiêu chăm lo cho lợi ích và phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng quê hương, đất nước. Thông qua vai trò lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã gần dân, để giữ gìn, củng cố và tăng cường mối liên hệ hữu cơ, mật thiết giữa Đảng với nhân dân; đặc biệt là những xã biên giới, khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo sinh sống.

Tập trung khắc phục ngay trường hợp một số cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở đảng chưa coi trọng việc hướng dẫn nội dung về công tác quản lý đảng viên và tình trạng chưa nắm rõ lịch sử chính trị của từng đảng viên, chưa nắm được về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống, mối quan hệ với nhân dân tại cơ quan và nơi cư trú…; diễn biến tư tưởng, ý thức chấp hành chế độ sinh hoạt, điều kiện, hoàn cảnh gia đình và các mối quan hệ của đảng viên, để phát hiện những khó khăn, biểu hiện lệch lạc, sai sót nhằm uốn nắn kịp thời; hướng dẫn cụ thể cho đảng viên thực hiện những quy định của Trung ương về những điều đảng viên không được làm, quy định về đảng viên được miễn, hoãn sinh hoạt, được làm kinh tế tư nhân, đi làm ăn xa nơi cư trú...

Thường xuyên hướng dẫn cơ sở trong công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ để đảng viên báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện nghị quyết bảo đảm được 3 tính chất “lãnh đạo, giáo dục, chiến đấu”…

Cấp ủy cấp trên định kỳ theo dõi chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý đảng viên của chi bộ; chú ý những nội dung chính về diễn biến tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, phong cách, lối sống của đảng viên, việc xây dựng nghị quyết, quy chế, phân công nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên theo quy định. Phân công cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo của các ngành phụ trách, theo dõi giúp đỡ chi bộ uốn nắn rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý đảng viên, công tác biểu dương, khen thưởng tổ chức đảng làm tốt, những điển hình tốt để nhân rộng, chấn chỉnh kịp thời những tổ chức đảng quản lý đảng viên còn thiếu sót, khuyết điểm…

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/146388/nang-cao-nang-luc-lanh-dao-suc-chien-dau-cua-to-chuc-co-so-dang-trong-thoi-ky-moi