Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong thời kỳ mới

(Tiếp theo kỳ trước)

* NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước

BPO - Thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị của các chi bộ, đảng bộ cấp xã trên địa bàn Bình Phước những năm qua cho thấy, năng lực nghiên cứu, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chỉ thị, nghị quyết cấp trên có bước tiến bộ quan trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Tuyệt đại đa số tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực, kịp thời trong tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động của cấp trên. Tổ chức chặt chẽ, hiệu quả các đợt học tập chính trị, học tập, quán triệt nghị quyết, kết hợp với quán triệt thường xuyên thông qua thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo các mặt hoạt động trên địa bàn...

Phát huy hiệu quả vai trò của quần chúng nhân dân

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đánh giá, trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ nói chung, các chi bộ, đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh nói riêng đã “thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng học tập và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ngoài việc tổ chức hội nghị quán triệt kết quả các hội nghị Trung ương; việc quán triệt sâu được các cấp ủy đảng triển khai nghiêm túc kế hoạch của Tỉnh ủy; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác dân vận; các kênh thông tin của tỉnh phát huy vai trò xung kích trong công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách, tạo sự đồng thuận cao. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt trên 95%”1. Thường xuyên “đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng qua hình thức tiếp sóng trực tiếp; tổ chức các hội nghị thông tin chuyên đề, thông tin thời sự, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên... Qua đó xây dựng Đảng bộ vững mạnh về tư tưởng, chính trị; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân”2.

Các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ ở cấp xã đã nắm vững tình hình địa bàn, phân tích, đánh giá sát đúng các yếu tố thuận lợi, khó khăn, vướng mắc đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương. Trên cơ sở đó, các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã xác định đúng nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, các khâu yếu, mặt yếu, kịp thời có chủ trương, biện pháp sát đúng trong lãnh đạo, chỉ đạo các mặt hoạt động trên địa bàn và bước đầu đạt được kết quả khá vững chắc.

Năng lực quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết cấp mình và chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã hiện nay đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Hầu hết các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã có đủ khả năng để quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết cấp mình và thường xuyên quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân dân trên địa bàn.

Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết, các chi bộ, đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt dân chủ trong Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy hiệu quả vai trò của quần chúng nhân dân. Mọi hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương, hay các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân trong cộng đồng dân cư, như chủ trương, mức vận động đóng góp của người dân cho các công trình phúc lợi công cộng, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đường… nhân dân đều được bàn bạc dân chủ và quyết định theo đúng quy định của quy chế nên tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân và toàn xã hội.

Năng lực tuyên truyền, giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng cho quần chúng của tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã những năm gần đây có chuyển biến tích cực, đã nâng cao một bước giác ngộ chính trị của các tầng lớp nhân dân, củng cố được niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, của tỉnh, địa phương và công cuộc đổi mới xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hầu hết các bí thư, phó bí thư, cấp ủy ở các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh luôn gương mẫu, có uy tín và đủ khả năng giáo dục chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng ở cơ sở. Trước các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh và địa phương, cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng luôn có kế hoạch và lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các kế hoạch tuyên truyền, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất về hành động trong toàn đảng bộ. Đặc biệt, đối với các vấn đề phức tạp nảy sinh trên địa bàn, các chi bộ, đảng bộ cấp xã đã luôn chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để hình thành các “điểm nóng”. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đánh giá: “Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Trong nhiệm kỳ, đã tiếp trên 15.000 lượt công dân tại các buổi tiếp công dân định kỳ và tiếp theo kế hoạch để giải quyết bức xúc, khiếu nại kéo dài gần 14.000 lượt công dân; đã giải quyết cơ bản những khiếu nại phát sinh, bảo vệ quyền lợi của công dân theo quy định pháp luật”3.

Hạt nhân chính trị cơ sở

Trong những năm tới, nhiệm vụ lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã có sự phát triển mới, cần lãnh đạo tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế tập trung các xã biên giới, vùng dân tộc thiểu số, giữ vững ổn định chính trị, văn hóa, xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân… Do vậy, yêu cầu bao trùm trong hoạt động lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã là bảo đảm cho đảng bộ thực sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị, bảo đảm địa phương luôn ổn định về chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quản lý hành chính, quản lý xã hội, trật tự trị an trên địa bàn. Sự phát triển của địa phương, đòi hỏi phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ, đảng bộ cấp xã đạt được trong thời gian qua còn tồn tại không ít vấn đề mà thời gian tới đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung lãnh đạo khắc phục.

Đó là năng lực nghiên cứu, quán triệt quan điểm, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nắm tình hình địa phương của một số bí thư, phó bí thư và cấp ủy, đảng ủy xã chưa ngang tầm nhiệm vụ. Từ đó dẫn tới việc đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ chưa thật sát tình hình của địa phương. Chất lượng lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ cấp xã còn một số mặt chưa cao, chưa thực sự tạo chuyển biến rõ nét trên một số lĩnh vực, nhiệm vụ. Khả năng xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo giải quyết ở một số chi bộ, đảng bộ có thời điểm, lĩnh vực chưa sát với thực tiễn. Các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề trọng điểm, mới nảy sinh hiệu quả còn thấp. Tình trạng chung chung, dàn đều trong nghị quyết lãnh đạo vẫn còn tồn tại ở một số chi, đảng bộ.

Tình trạng nghị quyết lãnh đạo tuy đã được xác định đúng nhưng việc quán triệt, phổ biến, phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên triển khai thực hiện còn chung chung, thiếu cụ thể, “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế”4. Biểu hiện ở việc một số chi bộ, đảng bộ cấp xã chủ yếu chỉ phân công nhiệm vụ cho các chi ủy viên, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên. Một số bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên, việc quán triệt, lĩnh hội tinh thần của nghị quyết và nhiệm vụ được phân công còn hạn chế, khả năng tuyên truyền, phổ biến nghị quyết cho quần chúng còn yếu, chưa biết cụ thể hóa nghị quyết thành những kế hoạch, chương trình hành động thiết thực để thực hiện... Do đó, chủ trương thì có nhưng biện pháp thực hiện thì không hoặc có cũng chưa sát, chưa nhiều nên một số chủ trương chưa thật sự đi vào cuộc sống, chưa kịp thời giải quyết được những vấn đề phức tạp nảy sinh, nhiều vấn đề nan giải chuyển biến chậm.

Năng lực lãnh đạo công tác tổ chức, xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ và thực hiện các quy chế, nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng của một số chi bộ, chi ủy, đảng ủy, đảng bộ xã còn hạn chế. Trong khi đó, công tác quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng của các chi ủy, chi bộ làm chưa chặt chẽ, thiếu tính chiến lược dài hơi nên gây không ít khó khăn cho công tác kiện toàn chi ủy về số lượng và chất lượng. Việc duy trì nền nếp, chế độ, nguyên tắc sinh hoạt, hoạt động của Đảng cũng còn hạn chế.

(còn nữa)

Tình trạng giao khoán cho bí thư quyết định dự thảo nghị quyết trình hội nghị chi bộ, đảng bộ, bỏ qua bước thảo luận ở chi ủy, đảng ủy vẫn còn tồn tại ở một số chi bộ, đảng bộ cấp xã. Trong sinh hoạt, một số đảng viên còn e dè, né tránh, ngại phát biểu xây dựng nghị quyết, tính chiến đấu trong đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa cao. Cá biệt ở một số nơi, tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước còn diễn ra, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị cùng với việc phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phải thực sự công tâm, khách quan.

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.47-48.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đồng Xoài lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.19.
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.53.
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.67.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/146463/nang-cao-nang-luc-lanh-dao-suc-chien-dau-cua-to-chuc-co-so-dang-trong-thoi-ky-moi