Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh

(Tiếp theo k trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì vậy, cùng với những biến đổi trong phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới, tình hình chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đội ngũ đảng viên của các chi bộ, đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh có những thay đổi sâu sắc về giác ngộ chính trị, trình độ học vấn, tâm lý tình cảm… Trong những biến đổi ấy có nhiều mặt phát triển tiến bộ, nhưng cũng có mặt, yếu tố chưa đáp ứng. Đáng lo ngại nhất là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. Việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện lối sống trong sạch, lành mạnh đang bị thách thức bởi lối sống chạy theo đồng tiền, sống xa hoa. Chính điều này đòi hỏi một tầm cao mới đối với nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Chủ trương thì có nhưng biện pháp thì không hoặc chưa sát

Các văn kiện, nghị quyết của các kỳ đại hội đảng các cấp và kết quả khảo sát ý kiến của cán bộ, đảng viên đều cho thấy một số bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên của đảng bộ các cấp còn chưa đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ, dẫn tới việc đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo của một số đảng bộ chưa sát với tình hình mọi mặt của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chất lượng lãnh đạo của một số tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), chi bộ, đảng bộ còn một số mặt chưa cao, chưa tạo được chuyển biến rõ nét trên một số lĩnh vực, nhiệm vụ. Khả năng xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, giải quyết ở một số TCCSĐ, chi bộ, đảng bộ có thời điểm, lĩnh vực chưa sát với thực tiễn. Các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề trọng điểm, vấn đề mới nảy sinh hiệu quả còn thấp. Tình trạng chung chung, dàn đều trong nghị quyết lãnh đạo vẫn còn tồn tại ở một số TCCSĐ, chi bộ, đảng bộ.

Thực tế cho thấy, ở một số chi bộ, đảng bộ, tình trạng nghị quyết lãnh đạo tuy đã được xác định đúng nhưng việc quán triệt, phổ biến, phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên triển khai thực hiện còn chung chung, thiếu cụ thể. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đánh giá: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số TCCSĐ còn hạn chế”. Biểu hiện ở việc một số chi bộ, đảng bộ cấp xã chủ yếu chỉ phân công nhiệm vụ cho các đồng chí chi ủy viên, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên. Một số bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên việc quán triệt, lĩnh hội tinh thần của nghị quyết và nhiệm vụ được phân công còn hạn chế; khả năng tuyên truyền, phổ biến nghị quyết cho quần chúng còn yếu, chưa cụ thể hóa nghị quyết thành kế hoạch, chương trình hành động thiết thực để thực hiện. Không ít đảng viên chưa biết chuyển tải hết tinh thần của nghị quyết đến quần chúng, khả năng cụ thể hóa nghị quyết vào các hoạt động thực tiễn để làm chuyển biến tình hình còn hạn chế. Do đó, chủ trương thì có nhưng biện pháp thực hiện thì không hoặc có cũng chưa sát, chưa nhiều nên một số chủ trương vẫn chỉ trên giấy, chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa kịp thời giải quyết được những vấn đề phức tạp nảy sinh, nhiều vấn đề nan giải chuyển biến chậm.

Theo đánh giá của đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố về công tác xây dựng Đảng hiện nay, một số TCCSĐ, chi bộ, đảng bộ ở cấp xã, phường, thị trấn chưa thật sự quan tâm làm tốt công tác kiện toàn tổ chức đảng ủy, chi ủy, chi bộ, đảng bộ, tổ đảng và phát triển đội ngũ đảng viên. Chất lượng một số cấp ủy viên còn thấp, trình độ học vấn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kiến thức, kinh nghiệm lãnh đạo chưa ngang tầm, một số chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Trong khi đó, công tác quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng của các chi ủy, chi bộ làm chưa chặt chẽ, thiếu tính chiến lược dài hơi nên gây không ít khó khăn cho công tác kiện toàn chi ủy về số lượng và chất lượng. Việc duy trì nền nếp, chế độ, nguyên tắc sinh hoạt, hoạt động của Đảng còn hạn chế. Tình trạng giao khoán cho bí thư quyết định dự thảo nghị quyết trình hội nghị chi bộ, đảng bộ, bỏ qua bước thảo luận ở chi ủy, đảng ủy vẫn còn tồn tại ở một số chi bộ, đảng bộ cấp xã. Trong sinh hoạt, một số đảng viên còn e dè, né tránh, ngại phát biểu xây dựng nghị quyết, tính chiến đấu trong đấu tranh tự phê bình, phê bình chưa cao. Ở một số nơi, tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước còn diễn ra. Chỉ tính riêng các chi bộ, đảng bộ cấp xã thuộc Đảng bộ huyện Lộc Ninh, trong nhiệm kỳ 2015-2020 “có 49 đảng viên bị thi hành kỷ luật, với các hành vi vi phạm như “đánh bạc”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, sử dụng tiền tài trợ không đúng mục đích, vi phạm trong quản lý điều hành ngân sách nhà nước”. Công tác thực hiện sinh hoạt định kỳ của một số chi bộ, đảng bộ có thời điểm chưa thường xuyên hoặc có sinh hoạt đều nhưng số đảng viên dự họp còn thiếu. Nội dung sinh hoạt chi bộ còn nghèo nàn, chưa thực sự đi vào thảo luận những vấn đề trọng tâm, cấp thiết của cơ quan, địa phương, đơn vị. Về công tác phát triển đảng viên, vẫn còn một số chi bộ, đảng bộ cấp xã chưa quan tâm đúng mức. Mặc dù về số lượng, đại đa số các chi bộ, đảng bộ cấp xã đều đạt và vượt chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới hằng năm, song chất lượng còn hạn chế, đội ngũ đảng viên mới chưa phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu. Về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số chi bộ, đảng bộ, có thời điểm còn chưa nghiêm túc, hiệu quả thấp. Đặc biệt, về công tác kiểm tra, giám sát theo đánh giá của một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa làm tốt, hiệu quả chỉ ở mức trung bình, chưa có biện pháp ngăn ngừa và đấu tranh xử lý đảng viên vi phạm. Khả năng đấu tranh với những tiêu cực, lạc hậu trong nội bộ cấp ủy, chi bộ, đảng bộ ở cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện trên địa bàn còn nhiều hạn chế, chưa triệt để, còn ngại va chạm…

Trong những năm tới, yêu cầu bao trùm trong hoạt động lãnh đạo của các TCCSĐ, các chi bộ, đảng bộ cấp xã là bảo đảm cho đảng bộ các cấp thực sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị, bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị và địa phương luôn ổn định về chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quản lý hành chính, quản lý xã hội, trật tự trị an trên địa bàn. Sự phát triển nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương đòi hỏi phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ, các chi bộ, đảng bộ các cấp, các đảng bộ trực thuộc tỉnh; phải có khả năng nghiên cứu, xây dựng nghị quyết đúng đắn và lãnh đạo, tổ chức đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Phương thức lãnh đạo còn hạn chế, bất cập

Bên cạnh những thành công, thành tựu cơ bản thì phương thức lãnh đạo của một số tổ chức đảng còn một số hạn chế, bất cập, cần được nhận diện một cách nghiêm túc, khoa học để hoàn thiện, khắc phục trong thời gian tới như:

Việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của một số cấp ủy, chính quyền các cấp có nội dung chưa sâu sắc, đầy đủ. Vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, chưa thực hiện tốt việc nêu gương, nói chưa đi đôi với làm, thiếu tinh thần trách nhiệm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bị xử lý kỷ luật. Công tác phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt đảng ở một số tổ chức đảng vẫn còn biểu hiện hình thức, nhất là trong cán bộ, đảng viên trẻ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức ở một số nơi chất lượng chưa cao. Việc nghiên cứu lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn chưa đi vào chiều sâu, chưa tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vẫn còn tình trạng đảng viên chia sẻ thông tin xấu, độc, chưa rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn bất cập. Chủ trương, nghị quyết của cấp ủy do các cơ quan tham mưu đề xuất chưa thực sự được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn kỹ lưỡng; chưa đánh giá, dự báo những tác động, ảnh hưởng một cách đầy đủ, khoa học; chưa tranh thủ hay nói cách khác là tận dụng tốt việc lấy ý kiến của nhân dân tham gia đóng góp trong xây dựng các chủ trương, nghị quyết cộng với trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức trực tiếp tham gia xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật còn hạn chế nên có những quy định khi đưa vào thực thi đã nảy sinh nhiều bất cập hoặc hiệu lực, hiệu quả thực thi không cao. Vì vậy, khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, “lợi ích nhóm”, cục bộ.

Công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, công tác đảng viên và đội ngũ đảng viên của Đảng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn những hạn chế, bất cập, tạo nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đó là vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều cán bộ còn có suy nghĩ, động cơ vào Đảng không đúng đắn, ý thức chấp hành kỷ luật đảng không nghiêm; việc nêu gương, tính tiền phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước quần chúng còn hạn chế; còn bộc lộ những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, tư tưởng cơ hội, thực dụng trong các tổ chức đảng nhưng chưa được phát hiện, nhận diện rõ để có giải pháp khắc phục kịp thời. Vẫn còn những cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, ngành với tư cách là cán bộ, đảng viên chưa thật sự gương mẫu dẫn tới những sai phạm phải xử lý kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước.

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm. Việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu. Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy chưa đi vào nền nếp. Công tác giám sát ở các cấp chưa thường xuyên, có nơi, có lúc chưa thực chất, phạm vi, đối tượng còn hẹp; hiệu quả phát hiện, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế. Việc thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm ở các mức độ khác nhau đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, do đó trong điều kiện hiện nay đòi hỏi phải phát huy nhiều hơn nữa vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của các cấp ủy, tổ chức đảng, tất cả cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/137271/nang-cao-nang-luc-lanh-dao-va-suc-chien-dau-cua-dang-bo-cac-cap-tren-dia-ban-tinh