Nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng đồng bộ, hiện đại, thực hiện tốt công tác giáo dục và đào tạo

Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và đạt kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, được lãnh đạo Bộ GDĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và nhân dân đánh giá cao. Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo Vĩnh Phúc đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Huyến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT về những giải pháp để tiếp tục duy trì và nâng cao chất giáo dục toàn diện của tỉnh trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo.

PV: Đồng chí cho biết chủ đề và nhiệm vụ của năm học 2022-2023 là gì? Ngành Giáo dục tỉnh đã cụ thể hóa các giải pháp như thế nào để thực hiện tốt chủ đề, nhiệm vụ năm học?

Đồng chí Nguyễn Văn Huyến: Chủ đề năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.

Căn cứ vào định hướng của Bộ GDĐT, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh nhằm phát triển GDĐT nói chung, giải pháp để cụ thể hóa chủ đề, nhiệm vụ năm học 2022-2023 là giữ vững, từng bước nâng cao hơn nữa kết quả giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn; nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại; giải quyết một số khó khăn cốt lõi của ngành; cải tiến, thay đổi mạnh mẽ công tác quản lý trong giáo dục, quản trị nhà trường; hạn chế, dần xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục, chuyển sang giáo dục thực chất và tập trung giáo dục, đào tạo các vấn đề căn bản, cốt yếu của từng cấp học.

Nói "không" với các vấn nạn học đường như bạo lực học đường, hút thuốc lá, trầm cảm, tiêu cực trong thi cử…; xóa dần và nâng cao sự bình đẳng, khả năng tiếp cận trong giáo dục của học sinh; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh; thu hút đầu tư giáo dục và hội nhập giáo dục quốc tế; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của ngành.

Hoàn thiện hệ thống trường mầm non, trường phổ thông, trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật; tăng cường xã hội hóa cho giáo dục; nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ và chuyển đổi số trong giáo dục…

PV: Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng "Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT" với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Huyến: Ngành GDĐT rất quan tâm, chú trọng tới công tác phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bởi sự nghiệp giáo dục thành công hay không thì nhà quản lý giáo dục, người giáo viên có vai trò rất quan trọng, là gốc rễ của đổi mới, là khâu then chốt góp phần quyết định chất lượng GDĐT.

Vì vậy, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 841 ngày 4/5/2022 phê duyệt Đề án “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Những năm qua, đội ngũ của ngành Giáo dục tăng cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên, trước yêu cầu đặt ra về chất lượng đội ngũ trong giai đoạn mới, cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp hơn nữa; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.

Đối với cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục, cần chú trọng bồi dưỡng đạo đức nhà giáo và văn hóa ứng xử - kỹ năng giao tiếp của người thầy; thực hiện tốt dân chủ trong các cơ quan, đơn vị nhà trường; bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, quản trị nhà trường; năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ cho cán bộ quản lý.

Tăng cường hoạt động nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh; chú trọng khả năng truyền cảm hứng cho học sinh, phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu như khoa học kỹ thuật, ngày hội STEM, ngày hội tiếng Anh...

Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế trong GDĐT. Học sinh có nền tảng tiếng Anh, Tin học đạt chuẩn để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT; có thể chơi được ít nhất 1 môn thể thao; có kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật và có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống.

Đổi mới mạnh mẽ công tác thi cử, tuyển sinh và kiểm tra đánh giá khách quan, nghiêm túc, thực chất; chuyển từ kiểm tra nội dung kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất, sự sáng tạo đối với học sinh. Đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng và thi học sinh giỏi nhằm đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, ngành chú trọng công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khích lệ đối với đội ngũ, đồng thời, siết chặt kỷ cương nền nếp trong thi hành công vụ và trong hoạt động nghề nghiệp; có giải pháp góp phần nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần cho đội ngũ.

Minh bạch trong công tác sử dụng, bổ nhiệm cán bộ quản lý; thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục.

Tiếp tục tuyển dụng giáo viên theo chính sách thu hút tại Nghị định 140 của Chính phủ đối với sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ.

Xây dựng môi trường làm việc văn minh - hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện và phát huy dân chủ.

Tham mưu HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách để thu hút học sinh giỏi, học sinh xuất sắc các trường THPT thi vào các trường sư phạm sau khi ra trường về công tác tại tỉnh.

PV: Để ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, theo đồng chí, ngành còn những khó khăn, hạn chế nào cần khắc phục trong năm học 2022-2023 và những năm học tiếp theo?

Đồng chí Nguyễn Văn Huyến: Hiện nay, đa số các trường mầm non, tiểu học chưa đủ tỷ lệ giáo viên trực tiếp đứng lớp theo quy định. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra nhóm, lớp còn thấp, chênh lệch so với trẻ mẫu giáo. Sự gia tăng dân số đã khiến một số địa phương, nhà trường gặp khó khăn trong bố trí lớp học và sĩ số học sinh/lớp chưa đảm bảo theo quy định của Bộ GDĐT. Chất lượng giáo viên ngoại ngữ ở một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ GDĐT.

Đội ngũ giáo viên triển khai dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, còn một số ít thầy, cô giáo chưa đáp ứng kịp về chuyên môn.

Chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền, giữa các đơn vị giáo dục trong tỉnh còn chênh lệch. Chất lượng giáo dục THCS ở một số nhà trường còn thấp. Việc khai thác, sử dụng thiết bị dạy học ở một số nhà trường còn hạn chế.

Thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; thực hiện cải cách hành chính; thực hiện tốt dân chủ trong các cơ quan, đơn vị nhà trường; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Nghiên cứu đổi mới công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi học sinh giỏi cấp tỉnh; tham mưu tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức đảm bảo đủ số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tuyển dụng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chú trọng công tác đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Ban hành bộ Tiêu chí chấm điểm, xếp hạng các đơn vị giáo dục đảm bảo phù hợp, sát với thực tiễn, đánh giá đúng mức độ thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GDĐT.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong GDĐT, huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển GDĐT; chú trọng nâng cao công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Năm học 2022-2023, ngành tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển GDĐT; quyết tâm chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế địa phương và yêu cầu phát triển giáo dục Vĩnh Phúc.

Khắc phục hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; quyết tâm đổi mới hơn nữa đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của tỉnh.

PV: Đồng chí cho biết những công việc cụ thể mà ngành Giáo dục đã và sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện trong năm học 2022-2023?

Đồng chí Nguyễn Văn Huyến: Năm học 2021-2022, ngành GDĐT tỉnh đã tham mưu tỉnh ban hành, phê duyệt 12 nghị quyết, kế hoạch, quyết định, đề án liên quan đến GDĐT. Trong đó, chủ yếu là tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, định hướng phát triển toàn diện GDĐT tầm nhìn trung và dài hạn.

Nổi bật như Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...

Năm học 2022-2023, ngành tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó, chú trọng chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thành lập các trường tư thục chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng và giảm áp lực đối với các trường công lập.

Phát triển GDĐT gắn với phát triển khoa học và công nghệ theo nhu cầu của thị trường lao động, bảo đảm phù hợp theo yêu cầu phát triển và điều kiện của tỉnh. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tham mưu HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết quy định về một số chính sách đặc thù đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh các trường THCS trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho các học sinh học giỏi, các tài năng đặc biệt. Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách tín dụng học sinh, sinh viên để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em có điều kiện kinh tế khó khăn được đảm bảo học hành đầy đủ.

Cùng với đó, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành mức thu học phí hợp lý để thực hiện hỗ trợ toàn bộ hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho học sinh, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh theo Kế hoạch số 137 của UBND tỉnh về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025.

Nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục để đào tạo học viên có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, có khả năng cạnh tranh với lực lượng lao động của các địa phương trên cả nước, từ đó có cơ hội việc làm bền vững, đồng thời, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Xuân Hùng (thực hiện)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/82553/nang-cao-nang-luc-lanh-dao-xay-dung-he-thong-giao-duc-theo-huong-dong-bo-hien-dai-thuc-hien-tot-cong-tac-giao-duc-va-dao-tao.html