Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ y tế
'Các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội'; đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương tại Hội thảo 'Triển khai công tác khoa học và công nghệ ngành y tế năm 2024' do Bộ Y tế vừa tổ chức.
Làm chủ nhiều loại vaccine
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, các nhà khoa học ngành y, các y bác sĩ đã triển khai và đạt được nhiều thành tựu về nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị, sản xuất vaccine, thuốc, dược liệu...Một số phương pháp chẩn đoán và điều trị đã đạt kết quả tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới, được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận và được ghi nhận qua các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.
Cụ thể, Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất được 10 loại vaccine trong số 11 loại vaccine sử dụng cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, tiếp nhận và làm chủ được một số công nghệ sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền. Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả liên quan đến ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm.
Theo các chuyên gia y tế, hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đã góp phần quan trọng vào phòng, chống dịch bệnh, giúp nâng cao công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp cận trình độ khoa học công nghệ của thế giới... Các thành tựu đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học của ngành y tế trải rộng trên các lĩnh vực; bao gồm: y tế dự phòng, lĩnh vực y tế công cộng - dân số; chẩn đoán, điều trị bệnh; nghiên cứu sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế; xây dựng tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nghiên cứu chính sách y tế và những thành tựu nổi bật khác...
Các nghiên cứu trong lĩnh vực chính sách y tế đã cung cấp số liệu, bằng chứng khoa học phục vụ đánh giá kết quả, hiệu quả các chủ trương, chính sách y tế đã thực hiện; làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung, xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; góp phần quan trọng vào xây dựng và ban hành, đánh giá các chính sách về dự phòng bệnh dịch, giảm tải bệnh viện, vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh tế y tế, bảo hiểm y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình...
Có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của ngành y tế, sự phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành; đặc biệt là sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngành y tế vẫn còn những tồn tại, khó khăn, chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, khả năng và mới chỉ tập trung ở các trung tâm lớn. Việc phổ biến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Mặt khác, các nghiên cứu còn nhỏ lẻ do trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn thiếu, không đồng bộ và chưa được đầu tư thỏa đáng; thiếu nhân lực là các chuyên gia, các nhóm nghiên cứu mạnh... Các nghiên cứu có tính dự báo, đo lường khả năng và diễn biến của các bệnh dịch mới nổi, bệnh dịch tái diễn còn chưa được chú trọng; ít nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đồng bộ về mặt chính sách
Chỉ rõ nguyên nhân của khó khăn, tồn tại trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, một số nguyên nhân chính như do nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học trong lĩnh vực y tế liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân và là vấn đề khó, nhạy cảm. Cơ chế, chính sách và đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa có cơ chế cho nghiên cứu rủi ro, mạo hiểm. Sự phối hợp thực thi giữa Luật Khoa học và Công nghệ với các Luật chuyên ngành còn chưa đồng bộ nên khó đưa ra sản phẩm cuối cùng phục vụ xã hội.
Theo TS. Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, giải pháp chủ yếu để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành y tế thời gian tới là đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý; đổi mới quản lý tài chính khoa học công nghệ, chấp nhận nguyên tắc rủi ro; tháo gỡ khó khăn trong chuyển giao tài sản hình thành trong nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ.
Cùng với đó, đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành y tế; xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo ngành y tế, trong đó tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với các chuỗi giá trị, tạo môi trường, thể chế, chính sách thuận lợi, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức hỗ trợ trong nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo...
TS. Nguyễn Ngô Quang cho rằng, cùng với việc thành lập mạng lưới nghiên cứu trọng điểm và mạnh trong ngành y tế (Viện nghiên cứu, Trường đại học và các tổ chức khoa học công nghệ khác) và phát triển các nguồn lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành y tế; cần tăng cường các hoạt động truyền thông về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế.
Để tiếp tục tăng cường công tác khoa học và công nghệ ngành y tế, không ít ý kiến cho rằng, cần sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực y tế bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các Luật chuyên ngành như Luật Dược, Luật Khám bệnh, chữa bệnh... và phù hợp thực tiễn hiện nay. Đồng thời, phổ biến, triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (nội dung về thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thiết bị y tế trong khám bệnh, chữa bệnh); hướng dẫn triển khai Kế hoạch khoa học công nghệ ngành y tế năm 2024 - 2025 bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, khả thi và kịp thời.