Nâng cao năng lực quản trị và hành chính công

Với mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, những năm qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã chú trọng nâng cao năng lực quản trị và hành chính công theo hướng chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả.

Năm 2021, tỉnh Hưng Yên xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số quản trị và hành chính công (chỉ số PAPI), tăng 39 bậc so với năm 2020. Theo kết quả theo dõi chỉ số PAPI của tỉnh 10 năm qua cho thấy, đa số các năm thứ hạng chỉ số PAPI của tỉnh đều ở mức trung. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, tập trung giải quyết căn cơ những hạn chế, yếu kém, chỉ số PAPI năm 2021 cải thiện vượt bậc. Tuy nhiên, sau khi tham chiếu, phân tích từng tiêu chí thành phần của chỉ số PAPI, vẫn có những điểm hạn chế ở một số địa phương, người dân chưa thực sự hài lòng như: Chưa công khai, minh bạch trong bình xét hộ nghèo; người dân không được góp ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương. Người dân phải chi thêm tiền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng hoặc các khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC); chất lượng dịch vụ công trong ngành y tế chưa cao…

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế Một cửa của UBND thành phố Hưng Yên (ảnh minh họa)

Nhằm tiếp tục cải thiện chỉ số PAPI, ngày 28/12/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND về nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Hưng Yên năm 2022 (Kế hoạch 199). Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các địa phương, đơn vị lập kế hoạch, chủ động tổ chức thực hiện Kế hoạch 199 trên cả 8 lĩnh vực chỉ số Papi đánh giá nhằm cải thiện mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước, góp phần cải thiện chỉ số PAPI của tỉnh. Theo đó, các ngành, địa phương trong tỉnh đều chú trọng phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, chính quyền các cấp trong công tác giải trình, tiếp công dân. Đến nay, 100% số địa phương, đơn vị đều bố trí và công khai lịch tiếp công dân; các đơn vị chú trọng kiểm soát, phòng, chống tham nhũng trong khu vực công, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC được thực hiện hiệu quả hơn. Chính quyền các cấp trong tỉnh chú trọng kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện quy định về giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; niêm yết công khai, đầy đủ bộ TTHC; nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ công về y tế, giáo dục... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc xả thải ra môi trường không đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được quyền giám sát, tố giác các hành vi vi phạm về pháp luật môi trường...

Chỉ số PAPI được đánh giá qua 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 29 chỉ số và hơn 120 chỉ tiêu thành phần. Thông qua kết quả phân tích, đánh giá về chỉ số PAPI, các cấp chính quyền có thông tin hữu ích về những vấn đề cần cải thiện trong quá trình thực hiện cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả quản trị ở những lĩnh vực Papi đo lường.

Tháng 10 vừa qua, Sở Nội vụ tiến hành kiểm tra công tác quản trị và hành chính công tại một số sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị đã chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PAPI. Trong đó, các địa phương đã chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là quyền tham gia của người dân vào các quy trình dự án từ khâu khởi động đến khâu giám sát thông qua Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định, tiếp công dân, giải trình với người dân. Cụ thể, huyện Văn Lâm tiếp nhận 118 đơn thư, thị xã Mỹ Hào tiếp nhận 190 đơn... Hầu hết các đơn thư được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời công dân đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, một số ngành, địa phương để tình trạng người dân chưa hài lòng với kết quả giải quyết TTHC, giải trình dẫn đến đơn, thư nhiều lần; công khai tiến độ, kết quả giải quyết TTHC chưa được thường xuyên, nhất là ở cấp xã; vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường, đổ rác, đốt rác tại khu vực công cộng, gây bức xúc trong Nhân dân...

Chỉ số PAPI là công cụ theo dõi việc thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Để nâng cao năng lực quản trị và hành chính công, các ngành, địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở cần thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ động lắng nghe ý kiến và phát huy nguồn lực tập thể trong cộng đồng, đúng với quan điểm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; công khai, minh bạch những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, nhất là việc công khai các quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, giá đền bù giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh cải cách hành chính và tiến độ xây dựng, hiện đại hóa “Chính quyền điện tử”. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm giải trình, đối thoại với người dân; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Thường xuyên khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng các dịch vụ công được cung cấp trong lĩnh vực y tế, giáo dục…

Lệ Thu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202211/nang-cao-nang-luc-quan-tri-va-hanh-chinh-cong-5bc63b1/