Nâng cao năng lực tham gia xây dựng pháp luật cho hiệp hội và doanh nghiệp
Đánh giá về công tác xây dựng pháp luật trong thời gian qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho rằng, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua được đổi mới theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, dân chủ và cởi mở. Người dân và doanh nghiệp được tham gia ngày càng nhiều hơn và quá trình hoạch định chính sách. Tiếng nói từ doanh nghiệp, ngành kinh tế, đối tượng chịu tác động chủ thể ngày càng được coi trọng và là nhân tố quan trọng, chính xác.
Để tăng cường, nâng cao vai trò, hiệu quả sự tham gia cộng đồng doanh nghiệp, VCCI trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật , trên tinh thần ủy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, VCCI có 6 đề xuất. Trong đó, tiếp tục đổi mới cách thức triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân để ngày càng thực chất; tăng cường tính minh bạch hoạt động xây dựng văn bản pháp luật cần đăng tải công khai đầy đủ các tài liệu có liên quan, gồm cả đánh giá tác động chính sách, các góp ý của doanh nghiệp; việc tiếp thu của cơ quan chức năng; quá trình thảo luận và các vấn đề lớn. Đồng thời, ông Phạm Tấn Công cho rằng, cũng nên cải tiến quy trình lấy ý kiến theo hương mở rộng thêm, tiếp tục lấy ý kiến về dự án luật trước khi trìn Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai, không dừng ở việc lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu như hiện nay.
Bày tỏ sự phấn khởi khi Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo tại cuộc làm việc với VCCI ngày mùng 7.10.2021 vừa qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất, Quốc hội cần giao VCCI hoặc một cơ quan phối hợp xây dựng và triển khai một chương trình nâng cao nhận thức, năng lực tham gia xây dựng pháp luật cho các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam. Chương trình này nhằm tạo nền tảng vững chắc, nâng cao tính chủ động, tích cực, chất lượng tham gia ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội. Một thực tế đáng suy nghĩ, nhiều dự thảo Luật của chúng ta khi lấy ý khiến, nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp không tham gia, nhưng sau khi ban hành lại phản ứng rất mạnh vì không phù hợp với thực tế kinh doanh. Điều này có nguyên nhân do nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp còn hạn chế. Do vậy, chúng ta rất cần một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và hiệp hội thực hiện tốt hơn vai trò xây dựng pháp luật và chính sách.
Đồng thời, ông Phạm Tấn Công cũng đề xuất, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng pháp luật. Theo đó, bên cạnh cổng thông tin của các bộ, ngành, thì cần xây dựng cổng thông tin quốc gia chuyên đăng các dự thảo văn bản pháp luật và thu thập ý kiến của doanh nghiệp và người dân. Cổng thông tin này sẽ đăng tải dự thảo văn bản pháp luật cần lấy ý kiến, với thông tin đăng tải càng thân thiện, dễ tiếp cận, có các các phân tích, bình luận để doanh nghiệp, người dân hiểu sâu và tham gia ý kiến.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng kiến nghị, Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ này một số luật có vai trò quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp như Luật về hộ kinh doanh, Luật về an ninh quốc phòng trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, hiệp hội như VCCI chủ động có sáng kiến pháp luật. Bởi, Điều 84 Hiến pháp năm 2013 quy định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan Trung ương, các tổ chức thành viên có quyền trình sáng kiến pháp luật trước Quốc hội. Nếu được chấp thuận các sáng kiến pháp luật, VCCI sẽ triển khai xây dựng, trình dự án Luật Trọng tài thương mại, Luật về hộ kinh doanh.