Nâng cao năng lực thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội

Tại Hội thảo khoa học Đề xuất thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam; nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với sự phát triển của ngành, hoạt động thanh tra, kiểm tra phải từng bước được kiện toàn tương xứng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành, đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Đáp ứng tình hình mới

Theo BHXH Việt Nam, thực hiện Luật BHXH được Quốc hội Khóa XIII thông qua năm 2014, trong đó, giao BHXH Việt Nam nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT. Bộ máy thanh tra, kiểm tra của ngành được hình thành trên cơ sở bộ máy kiểm tra trước đây. Trong 7 năm thực hiện, đã bảo vệ quyền lợi cho 370 nghìn người lao động với số tiền truy đóng 1.020 tỷ đồng, xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính trên 170 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: BH

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn, sau khi Luật Thanh tra được thông qua, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức, nghiên cứu, xây dựng dự thảo, trong đó, có đề xuất việc thành lập cơ quan thanh tra BHXH Việt Nam. Do đó, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học để tiếp tục thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến và đề xuất các giải pháp định hướng cho việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó có BHXH Việt Nam.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, việc thành lập cơ quan thanh tra tại BHXH Việt Nam theo luật định hoàn toàn phù hợp và cần thiết; bởi Luật Thanh tra đã có quy định rõ ràng về việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ. Hơn nữa, BHXH Việt Nam đã có đội ngũ làm công tác thanh tra hết sức chuyên nghiệp, được bố trí từ Trung ương tới địa phương.

Đồng thời, đề nghị BHXH Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ làm công tác thanh tra, nhất là tại các địa phương; tiếp tục xây dựng các giải pháp triển khai bộ máy thanh tra để đến khi được Thủ tướng thông qua, sẽ bắt tay vào triển khai trên cả nước, qua đó góp phần giúp Chính phủ phát hiện và xử lý sai phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lò Quân Hiệp, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam cho biết, kết quả thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam qua 7 năm được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT mang lại hiệu quả tích cực cho công tác quản lý, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT có chiều hướng gia tăng; hình thức vi phạm đa dạng, phức tạp, với giá trị lớn, nhất là lĩnh vực khám, chữa bệnh BHYT có ý thức chủ quan của con người và ngày càng tinh vi hơn. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Đinh Văn Minh, hiện đang có bất cập đó là dù cơ quan BHXH phát hiện rất nhiều vi phạm về BHXH, BHYT nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt, khiến các doanh nghiệp ỷ lại, gây khó khăn và ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Các chuyên gia, từ bức tranh tổng thể về công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH, việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam là hợp lý và cần thiết, sẽ là sự củng cố tổ chức, cơ chế, bổ sung về mặt nhân sự lớn đối với ngành thanh tra nói chung và thanh tra các lĩnh vực, trong đó, có BHXH ở địa phương nói riêng. Đặc biệt, với ngành BHXH là lĩnh vực có tác động trực tiếp đối với đời sống an sinh xã hội người dân.

Tuy nhiên, nếu được thành lập, các cán bộ làm công tác thanh tra cần phải có sự chuẩn bị để thích ứng kịp thời với chuyên môn thanh tra của 1 cơ quan thanh tra chính thức; không còn việc thanh tra thường xuyên, mà thay vào đó để tiến hành thanh tra cần thực hiện rất nhiều bước. Để làm được điều này, nhân lực cần được đào tạo bài bản.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cũng nêu rõ, việc thành lập cơ quan thanh tra phả bảo đảm tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT. Đồng thời, phải có sự gắn kết, liên thông, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương để thay đổi căn bản về quy trình, cách thức vận hành, mang lại giá trị mới cho người dân, người tham gia BHXH, BHYT; cũng như tăng năng suất lao động, năng lực quản trị của ngành BHXH Việt Nam.

Hà Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/nang-cao-nang-luc-thanh-tra-chuyen-nganh-bao-hiem-xa-hoi-i324385/