Nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
PTĐT - Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động nghiên cứu, tiếp cận và triển khai các biện pháp nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.
Trong đó tập trung phát triển, tạo sự bứt phá về hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông; thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh, của ngành, địa phương để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng này.Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc CMCN 4.0, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin-truyền thông; tập trung phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Theo đó, hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, trọng tâm là việc triển khai xây dựng và phát triển kiến trúc chính quyền điện tử, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành, hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước. Cùng với đó, hệ thống một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến và triển khai các ứng dụng tại Trung tâm phục vụ hành chính công cũng đi vào hoạt động; trung tâm tích hợp dữ liệu số được đầu tư, nâng cấp ở mức độ cơ bản cho phép triển khai hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh…đã góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả. Tiếp đó là hệ thống hạ tầng viễn thông được tăng cường, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân…Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được các ngành, các lĩnh vực triển khai tích cực, đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm cạnh tranh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Một số công nghệ của CMCN 4.0 đã và đang được ứng dụng nhiều vào sản xuất nông nghiệp như sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, trồng rau quả trong nhà lưới có sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel; sử dụng hệ thống phần mềm dự tính dự báo sâu bệnh hại; triển khai phần mềm quản lý sản xuất tem truy xuất nguồn gốc và kiểm dịch động vật; đẩy mạnh hỗ trợ máy móc, thiết bị, từng bước nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp…Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dạy và học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM, triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức thi kỹ thuật cho từng cấp học…Các cơ sở dạy nghề đầu tư trang thiết bị dạy và học đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, xây dựng thư viện điện tử, phòng học đa phương tiện, hệ thống đào tạo trực tuyến, hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị dạy học thuật… Bên cạnh đó, lĩnh vực giao thông cũng đã áp dụng nhiều ứng dụng kỹ thuật số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, giám sát và lưu giữ hình ảnh đối với phương tiện vận tải thông qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình; đồng thời áp dụng công nghệ thông tin trong việc hệ thống, hướng dẫn qua mạng điện tử đối với việc cấp, đổi giấy phép lái xe, giấy phép kinh doanh vận tải, biển hiệu xe ô tô…Song song với ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, tỉnh đã chú trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó, tăng cường triển khai các chương trình tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, xây dựng các mô hình hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.Thời gian tới, để thích ứng với những thay đổi do công cuộc CMCN 4.0 mang lại, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh cần có nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 để có cách tiếp cận phù hợp; trên cơ sở các công nghệ 4.0 đã được xác định và định hướng ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, cần có kế hoạch, giải pháp ứng dụng cụ thể để việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào thực tiễn một cách có hiệu quả.