Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh mong muốn Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm bố trí kinh phí triển khai hoạt động Đề án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân...
Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật
Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội thảo Đánh giá tình hình triển khai và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977).
Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Bộ Tư pháp cho biết, việc ban hành và thực hiện Đề án 977 là một giải pháp thiết thực thúc đẩy các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên Mặt trận thực hiện tốt việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Qua 2 năm thực hiện Đề án, các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và các địa phương đã đạt được kết quả nhất định. Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và Sở Tư pháp đã triển khai nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng đã được với trên 30.000 báo cáo viên pháp luật trên toàn quốc và gần 158.000 tuyên truyền viên pháp luật.
Để triển khai việc nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các cấp, các ngành đã kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng.
Tính đến ngày 31/10/2024, 59/63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tiếp nhận 3.014 lượt thông tin từ Tòa án nhân dân, trong đó có 2.550 vụ việc trợ giúp pháp lý.
Đề án đã xây dựng cơ chế thu hút luật sư, luật gia, người có kiến thức pháp luật, người có uy tín tham gia hòa giải ở cơ sở; xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đã có 170 luật sư tham gia tiếp công dân ở Trụ sở tiếp công dân Trung ương; Trung tâm tư vấn pháp luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện 65 cuộc tư vấn pháp luật cho người nghèo và đối tượng chính sách xã hội…
Trong năm 2023, Cục PBGDPL đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan tổng hợp, rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp nhằm tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động tìm hiểu, sử dụng pháp luật, bao gồm lĩnh vực PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý, luật sư, công chứng, tư vấn pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính...
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân, các bộ, ngành, địa phương đã thông tin, truyền thông về vai trò, sự cần thiết của pháp luật đối với xã hội; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng hiểu biết, kỹ năng, nhu cầu tìm hiểu pháp luật, các hình thức, mô hình tiếp cận pháp luật của người dân.
Đồng thời, cung cấp, hướng dẫn các kiến thức pháp luật cho người dân bằng hình thức phù hợp, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; củng cố, nâng cao hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo...
Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ một số giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân. Trong đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương; tận dụng các nền tảng công nghệ hiện đại như nhóm Zalo hay các ứng dụng khác để giúp người dân dễ dàng tiếp cận pháp luật mọi lúc, mọi nơi; huy động thêm đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp lý đồng hành, tham gia cùng các cơ quan, ban ngành, sở, địa phương trong việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân…
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận và đánh giá cao các kết quả của bộ, ngành, địa phương đạt được trong việc triển khai Đề án 977.
Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Thứ trưởng đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và từng địa phương nghiên cứu giải pháp tổng thể, huy động sự vào cuộc cả cả hệ thống chính trị nói chung và địa phương nói riêng, trong đó lưu ý bám sát 5 nhóm nhiệm vụ và 24 hoạt động của Đề án.
Trước yêu cầu đổi mới tư duy phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị chính quyền các cấp, nòng cốt là ngành Tư pháp, Sở Tư pháp, phải tạo dựng các điều kiện cần thiết về mặt thông tin pháp lý, PBGDPL để người dân chủ động tiếp cận và nâng cao nhận thức về pháp luật. Từ đó chủ động chấp hành, tuân thủ, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị các địa phương nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò tham mưu của Sở Tư pháp trong triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án; mong muốn Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm bố trí kinh phí triển khai hoạt động Đề án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân...
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-nang-luc-tiep-can-phap-luat-cho-nguoi-dan-182037.html